Phác họa bức tranh kinh tế Việt Nam điểm đến 2022, dự kiến mục tiêu 2023

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023.

6 CHỈ TIÊU VƯỢT KẾ HOẠCH

Theo báo cáo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trình bày, ước cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao.

Tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025, ông Đông nhấn mạnh.

Ông Đông cho biết thêm là mức 8% là dự kiến mới được nâng lên, trên cơ sở GDP quý 3 là 13,67%, 9 tháng 8,83%.

Báo cáo đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, (đóng góp 54,17%). Sự phục hồi và phát triển kinh tế giữa các vùng, miền và địa phương khá đồng đều.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được đánh giá điều hành phù hợp để kiềm chế lạm phát, hướng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, nhất là trong tình hình các nền kinh tế lớn biến động rất mạnh.

Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Từ đầu năm 2022 (đặc biệt là từ tháng 3 trở lại đây), trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối tài sản với tốc độ nhanh và mạnh; USD tăng giá trên thị trường thế giới, nhiều đồng tiền mất giá lớn so với USD; cung cầu ngoại tệ khó khăn đã gây áp lực lên thị trường ngoại tệ, tỷ giá chịu áp lực tăng mạnh.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp bán ngoại tệ để bổ sung nguồn cung cho thị trường, ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế nhập khẩu lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời linh hoạt điều hành thanh khoản VND trên thị trường tiền tệ để góp phần giảm sức ép mất giá lên VND, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Tỷ giá VND/USD trong 9 tháng đầu năm tăng khoảng 2,87% so với cuối năm 2021 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác mất giá mạnh. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, NHNN tiếp tục điều chỉnh, tăng hợp lý các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Mặc dù chịu nhiều tác động tổng hợp từ diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước; từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong nước chỉ tăng nhẹ. Thanh khoản thị trường tiền tệ được đảm bảo, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.

Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; đáp ứng đủ, kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. NHNN bám sát vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội, Chính phủ, đã định hướng tăng trưởng tín dụng 14% (có điều chỉnh phù hợp diễn biến, tình hình thực tế). Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Đến ngày 14/9/2022, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,27% so với cuối năm 2021.

DỰ KIẾN 15 CHỈ TIÊU CHO NĂM 2023

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến kế hoạch năm 2023 có 15 chỉ tiêu.

. Tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.

. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%.

. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,0 - 6,0%.

. Tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt khoảng 26,2%.

. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%.

. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%.

. Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 12 bác sĩ/1 vạn dân.

. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt khoảng 32 giường bệnh/1 vạn dân.

. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 93,2%.

. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 78%.

. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt khoảng 94,71%.

. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt khoảng 91%.

Về các cân đối lớn, theo báo cáo, cân đối tích lũy - tiêu dùng được dự tính quy mô GDP đạt khoảng 10,30 - 10,41 triệu tỷ đồng, tiêu dùng cuối cùng bằng khoảng 66,2% GDP, tỷ lệ tích lũy tài sản bằng khoảng 33,8% GDP.

Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN): Dự toán thu NSNN đạt 1.612,96 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, riêng huy động từ thuế và phí đạt 13,3% GDP. Dự toán chi NSNN đạt 2.073,46 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 33,6%. Bội chi NSNN 460,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 4,47% GDP, tăng khoảng 87,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022.

Cân đối xuất, nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 795 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2022; trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 398 tỷ USD, tăng trên 8% so với năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 dự kiến xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Cân đối về điện: Tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) năm 2023 dự kiến đạt 76.139 MW, tăng 3,99% so với năm 2022; sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2023 dự kiến đạt khoảng 300,03 -310,603 tỷ kWh, tăng 8,9 - 12,7% so với năm 2022.

Cân đối lương thực: Sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 43,19 triệu tấn, tăng 0,36% so với năm 2022; sản lượng ngô đạt khoảng 4,2 triệu tấn, giảm khoảng 3,02%. Sản lượng thịt hơi đạt gần 7,27 triệu tấn, trong đó sản lượng thịt lợn đạt khoảng 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 3,6%. Sản lượng sữa tươi đạt khoảng 1,25 triệu tấn, tăng khoảng 8,3%. Sản lượng trứng đạt khoảng 19,1 tỷ quả, tăng khoảng 4,6%. Sản lượng thủy sản nuôi khoảng 8,74 triệu tấn, tăng khoảng 1,5%, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt khoảng 5,16 triệu tấn, tăng khoảng 3,2%; sản lượng thủy sản đánh bắt đạt khoảng 3,59 triệu tấn, giảm khoảng 3,5%.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE