Rút gạch chân tường trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính tiếp tục có đợt thông tin cảnh báo về rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, lượng “gạch” rút từ “chân tường” gia tăng đáng chú ý.
Cũng như hoạt động của các ngân hàng thương mại, cân đối nguồn liên quan đến TPDN luôn phải dự phòng các khoảng trống với thanh khoản của doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Cũng như hoạt động của các ngân hàng thương mại, cân đối nguồn liên quan đến TPDN luôn phải dự phòng các khoảng trống với thanh khoản của doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch, 31/7 là thời hạn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành.

Song song với công tác trên, Bộ Tài chính cũng như trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa liên tiếp có thông tin cảnh báo về rủi ro và những hiện tượng đáng chú ý trên thị trường TPDN.

Chủ động và thụ động

Một trong những thông tin được Bộ Tài chính cho biết, khối lượng TPDN mua lại trước hạn trong quý 2 vừa qua đã tăng đột biến.

Cụ thể, nếu như trong quý 1/2022, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng, nhưng sang quý 2 khối lượng mua lại trước hạn lên tới khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng TPDN.

Trong dòng chảy phân tích vừa qua, có nhận định cho rằng các doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu trước hạn, chủ động giảm thiểu huy động vốn ở kênh này. Tuy nhiên, mức độ chủ động ở đây khó đong đếm. Ngược lại, mức độ thụ động mới trở nên đáng quan tâm hơn, khi kết cấu “bức tường” TPDN dần hổng đi lượng kê đỡ một cách thụ động.

Tháng 4/2022, với việc cơ quan quản lý vào cuộc xử lý và hủy các đợt phát hành khoảng 10.000 tỷ đồng TPDN của nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Mình, thị trường bộc lộ những rủi ro thực sự.

Từ cuối năm 2019, Bộ Tài chính đã dồn dập cảnh báo rủi ro trên thị trường này, song tưởng như chỉ là “lý thuyết”. Tiếp tục trong năm 2020 và đặc biệt 2021, Bộ Tài chính nâng cao cảnh báo. Và như trên, cùng với 10.000 tỷ đồng trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhiều trường hợp khác cũng đã bị các cơ quan chức năng xử lý cuối 2021 đầu 2022.

Điểm nhấn xáo trộn lớn trên thị trường TPDN nổi bật từ tháng 4/2022. Như trên, khối lượng TPDN mua lại trước hạn tăng đột biến. Không loại trừ phần doanh nghiệp chủ động mua lại, nhưng mức độ thụ động được đặt trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại lần lượt tạm ngừng hoặc hạn chế cho vay mới bởi gần hết giới hạn tăng trưởng tín dụng; dòng tiền một số nhà phát hành có dấu hiệu không thuận lợi trên báo cáo tài chính vừa công bố; lượng TPDN huy động mới sụt giảm mạnh càng thu hẹp động cơ xoay vòng, gối đầu…

Tính thụ động cũng được chú ý khi nhiều nhà đầu tư e ngại bối cảnh thị trường có phát sinh rủi ro đã tiến hành bán lại TPDN. Nhiều người gặp khó khăn trong việc bán lại cho nhà phát hành, khi đầu mối đại lý phân phối trước đó khó đáp ứng, thậm chí khó cả việc liên lạc trực tiếp để kết nối khả năng bán lại.

Rút gạch chân tường

Trong bối cảnh thông thường, doanh nghiệp mua lại TPDN trước hạn thường gắn với một số điểm.

Ví như, phương án sử dụng vốn thay đổi, cân đối vốn thay đổi theo và mua lại để giảm thiểu chi phí, giảm tỷ lệ đòn bẩy.

Hoặc như dự tính lãi suất sẽ tăng cao và chi phí vượt quá dự toán, mua lại TPDN trước hạn để kiểm soát rủi ro chi phí.

Và doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn mới, cũng bền vững như đặc điểm của TPDN với nguồn trung dài hạn; hoán đổi nguồn tạo giá trị tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong những trường hợp trên, việc mua lại TPDN trước hạn phản ánh năng lực tài chính tốt của doanh nghiệp; hoạt động sản xuất kinh doanh của họ thậm chí có chiều hướng tốt hơn so với duy trì kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu trước đó.

Thế nhưng, như trên, bối cảnh thị trường TPDN có những phát sinh, hoạt động gọi vốn mới đột ngột chậm lại và có phần khó khăn (cả sự thận trọng hơn ở các đầu mối phối hợp là tư vấn, bảo lãnh nếu có, phân phối), tín dụng ngột ngạt đi, áp lực phải mua lại (thụ động) TPDN trước hạn trở nên nổi bật hơn.

Mức độ thụ động càng lớn, lượng mua lại trước hạn càng lớn, lượng “gạch” bị rút khỏi “chân tường” TPDN trở thành vấn đề đáng quan tâm.

Cũng như hoạt động của các ngân hàng thương mại, cân đối nguồn luôn phải dự phòng các khoảng trống (gap) kỳ hạn. Ngân hàng Nhà nước quy định chặt chẽ các tiêu chuẩn, tỷ lệ cân đối ở đây, liên quan đến thanh khoản.

“Bức tường” TPDN của mỗi doanh nghiệp cũng vậy, nếu khoảng trống xuất hiện, lượng “gạch” bị rút ra một cách thụ động dưới chân tường càng lớn, vấn đề thanh khoản cũng là một áp lực. Điều này còn có thể ảnh hưởng đến khả năng chi trả, lượng bị rút càng lớn “bức tường” càng chông chênh và dễ trở nên mong manh nếu có thêm những tác động bất lợi khác từ thị trường, từ nội tại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, khối lượng TPDN mua lại trước hạn thời gian tới tiếp tục là một điểm được chú ý, bên cạnh lượng đáo hạn sau cao điểm phát hành những năm 2019-2020 dần dồn về vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh đến rủi ro tiềm ẩn ở điểm này, khi dẫn cụ thể năm 2022 khối lượng TPDN đáo hạn sẽ vào khoảng 144.500 tỷ đồng; năm 2023 lên tới 271.400 tỷ đồng; năm 2024 cao điểm với 329.500 tỷ đồng. Đây lần lượt sẽ là những phép thử thực sự đối với tính bền vững của thị trường TPDN cũng như năng lực của các nhà phát hành.

Trong khi đó, theo hướng dự thảo sửa đổi Nghị định 153 với cơ chế liên quan, các điều kiện phát hành TPDN có thể sẽ bị siết chặt lại thời gian tới. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng cũng đã có ý kiến đẩy nhanh công tác này, cũng như sớm thống nhất ý kiến các bên liên quan.

Đọc tiếp

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

Vượt qua nhiều giải pháp xuất sắc, 3 sản phẩm số của MB là vòng thời trang thanh toán Stellar, thẻ MB JCB Be The Sky và phần mềm quản lý bán hàng mSeller đã được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp (2019-2024) MB nhận giải thưởng này.

Chat với BizLIVE