Sân bay Mộc Châu không được duyệt chủ trương xây dựng

Quy hoạch sân bay toàn quốc của Bộ GTVT không đề xuất sân bay mới tại Mộc Châu.
Đồi chè - một đặc trưng của du lịch Mộc Châu (Ảnh minh họa)
Đồi chè - một đặc trưng của du lịch Mộc Châu (Ảnh minh họa)

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Sơn La về đề xuất bổ sung cảng hàng không Mộc Châu vào Quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoạch định tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu với chiều dài khoảng 145 km, thực hiện đầu tư xây dựng trước năm 2030.

Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến cao tốc đảm bảo khả năng kết nối thuận lợi đến sân bay quốc tế Nội Bài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, Quy hoạch sân bay toàn quốc không đề xuất sân bay mới tại Mộc Châu.

Tuy nhiên, nếu có nhu cầu phát triển sân bay phục vụ du lịch, Bộ GTVT ủng hộ tỉnh chủ động nghiên cứu quy hoạch sân bay chuyên dùng tại Mộc Châu sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng. Đồng thời, Sơn La chủ trì kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Mộc Châu với tính chất là sân bay chuyên dùng.

Sân bay chuyên dùng được xây dựng để phục vụ khai thác hàng không chung hoặc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi, không phải “vận chuyển công cộng”. Máy bay cất và hạ cánh tại sân bay chuyên dùng là trực thăng, thủy phi cơ, máy bay cánh bằng loại nhỏ, máy bay không người lái... Trong khi đó, vận chuyển công cộng là loại hình vận tải các công ty vận chuyển cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách với mức giá chung do Nhà nước quy định.

Trước đó đầu tháng 9, UBND tỉnh Sơn La đề xuất với Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch sân bay Mộc Châu. Dự kiến giai đoạn 1 (đến năm 2030), Mộc Châu là cảng hàng không dân dụng với công suất một triệu khách mỗi năm, giai đoạn 2 sau năm 2030 công suất 2 triệu khách mỗi năm.

Diện tích sân bay Mộc Châu đến năm 2030 khoảng 350 ha, đến năm 2050 khoảng 500 ha. Dự kiến tổng mức đầu tư sân bay khoảng 6.500 tỷ đồng theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Như vậy, tỉnh Sơn La vẫn có cơ hội quy hoạch và xây dựng sân bay Mộc Châu, tuy nhiên tính chất của sân bay này sẽ không giống 31 sân bay được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch.

Hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất dự án sân bay Hồ Tràm (Lộc An, Bà Rịa - Vũng Tàu) được Bộ Quốc phòng phê duyệt là sân bay chuyên dùng.

Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Sơn La, Bộ GTVT cũng đề cập đến việc ủng hộ chủ trương giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư cản hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE