Sản xuất sầu riêng của Việt Nam không thấm thía so với nhu cầu 1,4 tỷ dân Trung Quốc

Năm 2023, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, trong đó, sầu riêng đạt 1 tỷ USD. Diện tích sầu riêng đang tăng “nóng” nhiều người lo “đụng hàng dội chợ”, còn doanh nghiệp thì nói “sản xuất sầu riêng của Việt Nam không thấm vào đâu so với nhu cầu của Trung Quốc”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có nhiều khả năng đạt 1 tỷ USD
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có nhiều khả năng đạt 1 tỷ USD

Hiện nay, các loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, mít... đang vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào giúp doanh nghiệp tăng xuất khẩu sang các thị trường.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 466 triệu USD, tăng 80,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn 5 tháng đầu năm ước đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực như Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Malaysia đều tăng trưởng tốt. Riêng thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng mạnh nhất, với giá trị nhập khẩu đạt 805 triệu USD, chiếm 59% về thị phần.

Vấn đề của trái sầu riêng Việt Nam là chất lượng chứ không phải số lượng

Đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này. Đây là lợi thế rất lớn để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) cho biết, vùng trồng sầu riêng ở Việt Nam trải dài từ Tây Nam bộ đến Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Sầu riêng ở miền Tây đang thu hoạch khi ở đây xong vụ thì các tỉnh miền Đông vào vụ rồi đến Tây Nguyên và vụ sầu riêng kéo dài hết tháng 11 mới kết thúc.

Mặc dù đang vào vụ nhưng do sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, cùng với đó là sản lượng sầu riêng Thái Lan không tăng cao như dự kiến ban đầu nên giá sầu riêng năm nay rất khả quan so với năm rồi.

Bà Ngô Tường Vy cho biết thêm, nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc đang tốt nên mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD năm nay sẽ đạt được. Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc đang chuộng sầu riêng Thái Lan hơn, bởi căn bản Thái Lan đã có nhiều năm làm thị trường rồi, còn Việt Nam đi sau thì phải nâng cao chất lượng để tạo được lợi thế cạnh tranh, khi chất lượng ổn định mới có thể tự tin đáp ứng nhu cầu thị trường tỷ dân, và mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Trung Quốc.

Không lo diện tích sầu riêng tăng “nóng”, chỉ lo chất lượng hàng hóa không bảo đảm

Từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và giá sầu riêng cũng cao hơn các loại trái cây khác, dẫn đến diện tích sầu riêng tăng “nóng” khiến mọi người lo ế hàng dội chợ. Song theo bà Ngô Tường Vy, năng lực sản xuất sầu riêng của Việt Nam không thấm vào đâu so với nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc, nhưng với điều kiện chất lượng phải tốt và vấn đề của sầu riêng Việt Nam là chất lượng chứ không phải số lượng.

“Sản lượng sầu riêng của Việt Nam chỉ mới bằng 1/10 Thái Lan. Năm 2022, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 6%. Năm nay, nếu tăng trưởng tốt lắm cũng chỉ đạt khoảng 15%. Trong khi, sầu riêng Malaysia cũng chỉ chiếm 0,6% thị phần ở Trung Quốc, số còn lại đều thuộc về Thái Lan. Như vậy, có thể nói sản lượng sầu riêng của Việt Nam là không đáng kể, nhưng phải cải thiện chất lượng như thế nào để họ thật sự cần đến hàng hóa của mình”, bà Tường Vy nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm với bà Ngô Tường Vy, ông Tô Ngọc Sơn - Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, Châu Phi thuộc Bộ Công thương, Trung Quốc là một thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thương mại số 1, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là thị trường truyền thống của Việt Nam.

Khi Trung Quốc tiến lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì họ đã thay đổi nhiều quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu, và nền kinh tế này đang hướng tới chất lượng cao nên việc quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn. Để xuất khẩu nông sản Việt Nam xuất khẩu một cách bền vững sang thị trường Trung Quốc thì vấn đề chất lượng phải bảo đảm đạt được các yêu cầu của thị trường này và phải xuất khẩu chính ngạch.

Là một tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, sản xuất phải bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch chứ đừng làm theo lối “ăn đong” như ngày xưa bán hàng qua biên giới, vì vậy, vai trò của Hiệp hội Rau quả trong lĩnh vực này là vô cùng quan trọng.

“Đừng lo sản xuất dư thừa, vì năng lực sản xuất rau củ quả của Việt Nam không thấm thía gì so với nhu cầu của thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc, đó là chưa nói các thị trường khác nhưng chỉ vì chúng ta sản xuất theo thói quen của mình, chỉ vì chất lượng của chúng ta kém và không ổn định nên mới không bán được”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE