Sự trỗi dậy của “Big 4” ngân hàng Việt

Năm 2023 dự báo sẽ dần ghi nhận sự trỗi dậy của khối “Big 4” ngân hàng Việt, bằng cơ chế đã cởi mở hơn trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ chế đó đã ảnh hưởng sâu sắc đối với cục diện hệ thống ngân hàng Việt Nam cả thập kỷ qua. Cơ chế về nguồn vốn, từng có một quá trình “đấu tranh” căng thẳng giai đoạn 2016-2021.

Sức ảnh hưởng suy giảm rõ rệt

Tháng 3 tới Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ kỷ niệm tròn 60 năm hoạt động. Bề dày lịch sử đó như một phần gốc rễ ban đầu của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.

Cùng với Vietcombank, rồi Agribank, BIDV và VietinBank tạo khối “Big 4” trên thị trường, cũng là gốc rễ của toàn hệ thống xét về chiều sâu lịch sử và tầm ảnh hưởng.

Thế nhưng, sức ảnh hưởng đó đã suy giảm rõ rệt trong chuyển động đi xuống chục năm trở lại đây, đúng hơn là 15 năm qua. Dấu mốc 15 năm được xác định từ làn sóng chuyển đổi các ngân hàng nông thôn lên NHTM đô thị, hình thành và phát triển cho đến nay.

Sự lớn mạnh của khối NHTM cổ phần tư nhân đã thực sự lấn át tầm ảnh hưởng của “Big 4”. Điều này hiển nhiên và rất rõ rệt qua các con số, sâu xa nằm ở cơ chế.

Trước hết, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sức ảnh hưởng của “Big 4” đã suy giảm rất mạnh xét ở chỉ tiêu tổng tài sản và quy mô tín dụng cho nền kinh tế. Có chút khác biệt trong dữ liệu, khi giai đoạn trước bên cạnh “Big 4” còn có Ngân hàng MHB của Nhà nước để tính vào dữ liệu hai chỉ tiêu này (về sau sáp nhập vào BIDV).

Tổng tài sản được xem như GDP của hệ thống ngân hàng. Nó bao gồm các thị phần, mà qua đó thể hiện sức ảnh hưởng đối với thị trường và nền kinh tế. Dữ liệu thống kê cho thấy, quy mô tổng tài sản của “Big 4” từng chiếm tới quanh 47,5% của toàn hệ thống những năm 2016-2017, nhưng đã rơi hẳn về chỉ còn 41-42% giai đoạn 2021-2022.

Ở chỉ tiêu dư nợ tín dụng cho nền kinh tế, mức độ suy giảm về tầm ảnh hưởng còn thể hiện mạnh hơn. “Big 4”, hay khối NHTM nhà nước, từng chiếm thị phần tín dụng tới trên 56% của toàn hệ thống vào năm 2011, nhưng 10 năm sau đã chỉ còn hơn 45% thị phần. Mức độ mất tới 11 điểm phần trăm đó rất lớn, ứng với quy mô cả triệu tỷ đồng vốn cho vay rơi vào tay các khối khác, trong đó chủ yếu từ sự lấn át của khối NHTM cổ phần tư nhân.

Đã có tín hiệu trỗi dậy

Vì sao “Big 4” sa sút tầm ảnh hưởng và thị phần như trên? Có những nguyên do khác nhau, ví như chậm cổ phần hóa và mô hình kém linh hoạt so với khối cổ phần tư nhân, điển hình như Agribank mắc kẹt trong tăng vốn. Ở đây, vốn và liên quan đến cơ chế là nguyên nhân chính. Tất nhiên, khối NHTM cổ phần tư nhân lớn mạnh đã tạo chia sẻ trực tiếp.

Như dữ liệu ở trên, từ giai đoạn 2016-2017 cho thấy thị phần về tổng tài sản và tín dụng của “Big 4” bắt đầu rơi mạnh. Đây cũng chính là giai đoạn yêu cầu tăng vốn cho khối đặt ra căng thẳng, “đấu tranh” quyết liệt qua nhiều diễn đàn. Bởi lẽ vướng mắc khi đó là ngân sách nhà nước trung hạn không bố trí nguồn đầu tư vào các NHTM.

Phải đến những năm 2020-2021, nút thắt không phải để trong ngoặc kép đó mới được tháo gỡ. Agribank dần được cấp thêm vốn điều lệ, dù rất mỏng; Vietcombank, BIDV và VietinBank dần được trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì phải chuyển tiền mặt nộp ngân sách nhà nước.

Chuyển biến và khác biệt về cơ chế tạo vốn trên tiếp tục thể hiện ngay đầu năm 2023.

Ngày đầu tiên đi làm của năm mới, 3/1/2023, Bộ Tài chính có thông tin đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 6.753 tỷ đồng trong dự toán ngân sách năm 2023.

Tiếp đó, Vietcombank, BIDV, VietinBank lần lượt tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023, với tín hiệu lạc quan nối tiếp: được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, định hướng dùng lợi nhuận tích lũy chưa chia để tăng vốn…

“Big 4” muốn nâng mức tạ nặng hơn về tổng tài sản, tín dụng thì quy mô vốn điều lệ phải tăng lên. Hướng thuận lợi trên tạo điều kiện, cơ hội tiên quyết cho một sự trỗi dậy sau khi tầm ảnh hưởng bị suy giảm mạnh trong thập kỷ qua.

Không phải chờ lâu, ngay trong năm 2022, sự trỗi dậy đó đã dần thể hiện, khi dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước đến 31/10/2022 cho thấy “Big 4” đã có sức tăng trưởng tổng tài sản vượt trội so với khối NHTM cổ phần tư nhân, 14,19% so với chỉ 5%; thị phần tổng tài sản cũng cải thiện lên 42,2% so với 41,2% cùng kỳ năm liền trước. Hướng cải thiện này kỳ vọng có nối tiếp trong năm 2023, với gợi mở thuận lợi về cơ chế được bổ sung vốn, tăng vốn nói trên.

Cơ chế thay đổi và dĩ nhiên cần thay đổi. Bên cạnh tầm và sức ảnh hưởng đối với thị trường, với vai trò đầu tàu thực thi các chính sách tiền tệ…, cơ chế cần thay đổi bởi “Big 4” còn gắn với động lực sát sườn cho tăng trưởng kinh tế là tín dụng. Tạo thêm năng lực vốn ở đây cũng chính là tạo một phần sức nâng mới cho tăng trưởng kinh tế.

Và khi “Big 4” mở hướng trỗi dậy, thậm chí đã có chiều hướng giành lại các thị phần, thì dĩ nhiên cuộc cạnh tranh trong hệ thống NHTM Việt Nam sẽ thêm phần quyết liệt.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE