Sụt gần 4%, Dow Jones có ngày giảm điểm sâu nhất trong 2 năm

Toàn bộ cổ phiếu thuộc chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm và gần như tất cả các cổ phiếu ngành trong S&P 500 cũng đi xuống.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Thị trường chứng khoán Mỹ có ngày giảm điểm tồi tệ nhất trong hơn 2 năm sau khi số liệu lạm phát cao vượt kỳ vọng khiến cho nhiều nhà đầu tư bớt hy vọng vào khả năng áp lực giá cả hạ nhiệt sẽ khiến cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hãm bớt tần suất và mức độ nâng lãi suất cơ bản đồng USD.

Trong phiên ngày thứ Ba, nhà đầu tư bán mọi thứ từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến dầu hay vàng. Toàn bộ cổ phiếu thuộc chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm và gần như tất cả các cổ phiếu ngành trong S&P 500 cũng đi xuống. Chỉ có 5 cổ phiếu trong S&P 500 tăng điểm. Cổ phiếu công ty mẹ của Facebook – Meta Platforms sụt 9,4%; cổ phiếu BlackRock giảm 7,5% còn cổ phiếu Boeing sụt 7,2%.

Chốt lại phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones sụt 1.276,37 điểm tương đương 3,9% xuống 31.104,97 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 177,72 điểm tương đương 4,3% xuống 3.932,69 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 632,84 điểm tương đương 5,2% xuống 11.633,57 điểm. Cả ba chỉ số đều có ngày giảm điểm sâu nhất tính từ ngày 11/6/2020.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã mất 14% giá trị; chỉ số S&P 500 sụt 17% còn chỉ số Nasdaq sụt 26%.

Nhà đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ đã vô cùng quan tâm đến việc chỉ số giá tiêu dùng được công bố, nó giúp cho nhà đầu tư hiểu được thực tế lạm phát Mỹ trước khi ngân hàng trung ương có cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ trong tuần tới.

Kỳ vọng vào định hướng của chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng rất nhiều đến diễn biến của thị trường bởi nhà đầu tư sẽ tính toán đến ảnh hưởng của lãi suất cao lên giá tài sản, đồng thời họ cố gắng dự báo về việc nền kinh tế sẽ diễn biến như thế nào khi lãi suất được điều chỉnh tăng lên.

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường phụ trách khu vực Bắc Mỹ tại quỹ Northern Trust Asset Management, ông Chris Shipley, nhận xét: “Động thái mới nhất làm tăng khả năng suy thoái kinh tế bởi Fed phải hành động mạnh tay để kiềm chế lạm phát”.

Lạm phát tại Mỹ tháng 8/2022 cao vượt kỳ vọng của các chuyên gia, thực tế này khiến các thành viên thị trường tài chính dự báo gần như chắc chắn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 3 trong năm nay.

Theo Bloomberg, Bộ Lao động Mỹ công bố so với tháng 7/2022 chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tháng 8/2022 tăng 0,1% sau khi không thay đổi trong tháng liền trước đó. So với cùng kỳ năm trước, giá cả tiêu dùng tăng 8,3% và như vậy chỉ ghi nhận mức hạ nhiệt rất thấp.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không tính đến giá cả thực phẩm và năng lượng, trong tháng 8/2022 tăng 0,6% so với tháng 7/2022 và tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tất cả những con số trên đều cao hơn dự báo của các chuyên gia. Giá thuê nhà, thực phẩm và thiết bị y tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng giá cả.

Việc lạm phát tăng cao cho thấy chi phí cuộc sống của người Mỹ đang đắt đỏ đến mức nào dù rằng giá xăng dầu tiêu dùng đã giảm. Áp lực giá cả đang leo thang trên diện rộng, như vậy để có thể kiềm chế được lạm phát, Fed sẽ còn phải đương đầu với vô vàn thách thức.

Vào tuần trước, chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố Ngân hàng Trung ương sẽ hành động cứng rắn để bình ổn giá cả, một số các nhà hoạch định chính sách cũng thể hiện quan điểm ủng hộ việc nâng lãi suất mạnh tay. Theo các quan chức Fed, quyết định của họ vào tuần sau sẽ được dựa trên các số liệu kinh tế mà họ đã có, theo đó thị trường lao động đang tăng trưởng tốt và tiêu dùng người dân yếu đi.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE