Tại sao Elon Musk tạm dừng mua Twitter?

CEO của Tesla bất ngờ trì hoãn thương vụ thâu tóm nền tảng mạng xã hội khiến dư luận xôn xao.
Tại sao Elon Musk tạm dừng mua Twitter?

Giảm giá mua Twitter

Ngày 16/5, Elon Musk ám chỉ có thể điều chỉnh lại giá trong thương vụ mua lại Twitter. Một thỏa thuận với giá thấp hơn là điều có thể xảy ra. Khi tham gia hội nghị ở Miami, Elon Musk tuyên bố 20-25% người dùng trên Twitter là tài khoản giả mạo hoặc spam thay vì dưới 5% như báo cáo vào đầu tháng 5 của công ty đưa ra. Đây là lý do khiến CEO Tesla có thể sẽ thương lượng lại để mua Twitter với giá thấp hơn.

Cổ phiếu Twitter giảm hơn 8%, đóng cửa ở mức hơn 37 USD do các nhà đầu tư lo ngại Elon Musk điều chỉnh lại thỏa thuận mua công ty truyền thông xã hội với mức giá 44 tỷ USD.

Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk gây xôn xao

Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk gây xôn xao

Trước đó, Elon Musk thông báo thỏa thuận mua lại Twitter tạm hoãn cho đến khi ông nhận được con số chính xác về số lượng tài khoản giả mạo có trên nền tảng.

Elon Musk cam kết thay đổi các hoạt động kiểm duyệt nội dung của Twitter, chống lại các lệnh cấm tài khoản vĩnh viễn.

CEO Tesla cho biết nhóm của ông chạy ngẫu nhiên 100 tài khoản Twitter để thử nghiệm thuật toán phát hiện tài khoản bot và spam. Ông khẳng định chưa thấy bất kỳ phân tích nào cho thấy các tài khoản spam chỉ chiếm dưới 5%.

“Đây cũng là những gì Twitter sử dụng để đưa ra có số dưới 5% số tài khoản giả mạo và spam”, tỷ phú công nghệ khẳng định. Sau đó, Elon Musk chỉ trích thuật toán của Twitter, cho rằng nền tảng này đang lợi dụng người dùng và có thể có lỗi trong code.

Dù vậy, “tôi vẫn vẫn quyết tâm với thương vụ này”, Elon Musk bổ sung.

Trước đó, ngày 25/4, Twitter thông báo sẽ bán mình cho Elon Musk. Theo thỏa thuận, tỷ phú Mỹ sẽ mua lại Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, tương đương 44 tỷ USD. Elon Musk sẽ phải trả khoản phí chia tay trị giá 1 tỷ USD nếu dừng thỏa thuận mua Twitter.

Tiếp tục thói quen gây tranh cãi

Việc tiết lộ thuật toán của Twitter đưa tỷ phú vào thế khó khi đội ngũ pháp lý của mạng xã hội tố cáo ông vi phạm điều khoản trong thỏa thuận không tiết lộ thông tin. Elon Musk sau đó phải đăng tweet đính chính lời nói. “Tôi không nói rằng thuật toán của Twitter sẽ gây hại cho người dùng, mà đang cố gắng đoán những gì bạn có thể muốn đọc. Khi làm như vậy, nền tảng vô tình thao túng quan điểm của bạn mà bạn không nhận ra điều này đang xảy ra”.

Elon Musk thường xuyên đưa ra quan điểm gây tranh cãi trên mạng xã hội

Elon Musk thường xuyên đưa ra quan điểm gây tranh cãi trên mạng xã hội

Thói quen đưa ra các phát biểu gây tranh cãi trên mạng xã hội của Elon Musk dường như lại khiến ông gặp rắc rối. Nhiều lần “vạ miệng” trước đây của tỷ phú cũng làm ảnh hưởng đến bản thân ông.

Bài đăng trên Twitter của Elon Musk hồi tháng 8/2018 về việc đưa hãng xe điện Tesla về làm doanh nghiệp tư nhân làm dấy lên nhiều đồn đoán. Cổ phiếu của công ty tăng 11%, trước khi giảm trong những ngày tiếp theo.

Dòng tweet trên khiến tỷ phú bị Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đâm đơn kiện. Cuối cùng, cả tỷ phú và Tesla mỗi bên phải trả khoản tiền phạt 20 triệu USD để giải quyết vụ việc.

Động thái “xao nhãng” với thương vụ Twitter khiến dư luận đồn đoán nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành SpaceX dường như chuyển sự chú ý trở lại công ty tên lửa khi ông có cuộc gặp tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 15/5 tại Texas, Mỹ.

Elon Musk nói với tổng thống Joko Widodo hy vọng sẽ được đến thăm Indonesia vào tháng 11 để thảo luận về các cơ hội đầu tư vào đất nước vạn đảo.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE