Tâm điểm chứng khoán: Kịch bản “Sell in May” có xảy ra?

Các chuyên gia cùng chung quan điểm hiện tượng Sell in May có khả năng cao diễn ra trong tháng 5 này, tuy nhiên mức giảm điểm của thị trường không sâu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index đều mang sắc đỏ ở hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, cũng là 2 phiên chào tháng 5, tháng mà câu chuyện “Sell in May & Go a way” lại được nhắc đến. Câu hỏi đặt ra với không ít người, liệu kịch bản của năm nay sẽ ra sao?

Lực bán cạn, hứa hẹn cho phe tăng giá

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS)

Thị trường chứng khoán trong 2 ngày sau lễ có những biến động giảm, VN-Index đóng cửa ở mức 1.040.31 (giảm 8,81 điểm trong 2 phiên tương ứng với 0,84%), thanh khoản ở mức thấp (thấp hơn trung bình 20 ngày), tôi cho rằng tín hiệu giảm này là không đáng lo ngại và VN-Index vẫn đang di chuyển trong mẫu hình tam giác cân. Điều tích cực chính là phiên giảm vào thứ 6 đã có sự cân bằng cùng thanh khoản thấp hơn phiên trước đó. Điều này cho thấy lực bán đã cạn kiệt, báo hiệu cho một tuần mới với nhiều hứa hẹn cho phe tăng giá.

Câu chuyện Sell in May tôi cho rằng vẫn sẽ xảy ra, tuy nhiên sẽ không quá khắc nghiệt như mọi năm do mặt bằng cổ phiếu đang không ở quá cao. Ở những năm trước, thường VN-Index sẽ tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, cổ phiếu bị định giá quá cao (P/E ở đỉnh thường là 20 -21 lần) do tình trạng fomo của nhà đầu tư, điển hình như năm 2018 sau đó thì giảm mạnh trong tháng năm. Còn thời điểm hiện tại, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang là 14,14 lần (theo Bloomberg), vì vậy dư địa giảm của VN-Index là không nhiều và nếu có giảm thì chắc chắn sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua tích lũy cổ phiếu.

Về động thái nâng lãi suất thêm 0,25% của FED, đẩy mức lãi suất hiện tại lên ngưỡng 5 – 5,25% của FED trong ngày 4/5 vừa qua, tôi cho rằng là hợp lý và phù hợp với lộ trình đã định sẵn trước đó. Điều này hoàn toàn không làm bất ngờ cho các nhà đầu tư trên thế giới theo dõi FED trong 1 năm gần đây.

Câu chuyện Sell in May tôi cho rằng vẫn sẽ xảy ra, tuy nhiên sẽ không quá khắc nghiệt như mọi năm do mặt bằng cổ phiếu đang không ở quá cao.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS)

Quan điểm của FED vẫn là giảm lạm phát về ngưỡng 2% bằng công cụ tiền tệ là nâng lãi suất, rõ ràng hơn thì FED sẽ giữ mức lãi suất này đến hết quý 4/2023. Còn khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất tôi nghĩ là không cao vì lộ trình nâng lãi suất đã định sẵn như vậy cả năm rồi. Nếu giả sử trường hợp FED sẽ nâng lãi suất trong lần kế cận thì đó sẽ là sự hoảng loạn và tháo chạy ở các thị trường tài chính. Xác suất này tôi cho là chỉ khoảng 10% và ngày nâng lãi suất kế tiếp là ngày 15/6/2023. Vì vậy từ đây đến hết tháng 5/2023, tôi cho rằng sẽ có hiện tượng bán tháo do thất vọng từ FED, ngược lại, những gì đáng sợ đều đã xong rồi có thể tạo tâm lý mua lên tốt hơn.

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp, những chỉ đạo này đã được thực hiện khá tốt. Chúng ta cũng đều thấy lãi suất giảm trung bình từ 1 – 2% trong 3 tháng vừa qua. NHNN sở dĩ có thể tiếp tục hạ được lãi suất điều hành là do đồng USD đã yếu đi trong 3 tháng vừa qua, NHNN cũng đã mua lượng lớn USD dự trữ để có dư địa giảm lãi suất tốt hơn. Về chính sách tiền tệ thì sau quý 2 sẽ rõ ràng hơn do mức giảm 1-2% lãi suất chưa thật sự tạo được sự hấp dẫn cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, mức giảm 2-4% lãi suất (đưa lãi suất huy động về ngưỡng 7%, lãi suất cho vay 11%) sẽ là mức hấp dẫn để kích cầu kinh tế trong dân cũng như doanh nghiệp.

Chưa nên lạc quan sớm

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam

Theo tôi, tháng 5 thường có câu Sell in May là có lý do vì rơi vào vùng trũng thông tin, sau khi có nhiều thông tin tích cực về báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, mùa họp cổ đông với các thông tin chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, các dự án, kế hoạch phát triển kinh doanh…

Theo đó, thị trường cuối tháng 3 và trong tháng 4 thường khá tích cực bởi những thông tin này. Qua tháng 5, những thông tin này không còn, cộng với thị trường đã tăng , do vậy cần nhịp điều chỉnh vì nhà đầu tư chốt lời, nhà đầu tư cầm tiền lại không mặn mà mua vào bởi không có thông tin tích cực làm nền tảng. Đó là lý do thuật ngữ Sell in May thường xảy ra với tháng 5. Thống kê cho thấy, 10 năm thì có đến 7-8 năm thị trường giảm trong tháng 5.

Tôi tin tháng 5 này không nằm ngoài xu thế đó vì thị trường thời gian qua cũng tăng điểm nhiều, giai đoạn gần nhất cũng có dấu hiệu chững lại. Thứ nhất lực cầu thị trường bắt đầu suy yếu trong khi cung lúc nào cũng thường trực. Dù chưa có dấu hiệu bán tháo nhưng mỗi lần giá tăng nhất định thì lượng cung tăng lên ngay lập tức.

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán thời gian tới là những phiên zic zắc đan xen, với khuynh hướng phiên giảm điểm nhiều hơn tăng điểm.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam

Thêm vào đó, gần đây khối ngoại chuyển hướng bán ròng, tuy lực bán không lớn nhưng mức 100-200 tỷ/phiên với lực bán đều. Như vậy hạn chế lực cầu từ khối ngoại, lực cầu trong nước không đủ hấp thụ cung cổ phiếu từ khối ngoại. Theo đó, làm cho thị trường có khả năng giảm.

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán thời gian tới là những phiên zic zắc đan xen, với khuynh hướng phiên giảm điểm nhiều hơn tăng điểm.

Về hành động nâng lãi suất của FED cũng đã được thị trường dự đoán nên không phản ứng quá bất ngờ. Tuy nhiên FED vẫn cho thấy quan điểm thận trọng, chưa phát đi tín hiệu chính thức cho thấy lãi suất của Mỹ đạt đỉnh, có thể tăng lãi suất nếu nền kinh tế Mỹ dấu hiệu lạm phát chưa rõ nét, chưa như mức kỳ vọng.

Theo tôi, việc FED tăng lãi suất không có gì quá nghiêm trọng trong bối cảnh hiện nay, không gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng quan điểm của FED cho thấy họ vẫn khá thận trọng, đồng nghĩa lạm phát ở Mỹ chưa có dấu hiệu sụt giảm một cách tích cực. Theo đó, các quốc gia lân cận phải lưu ý vì nền kinh tế Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất, là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất trên thế giới.

Tôi cho rằng chúng ta cần có góc nhìn tương đối thận trọng, chưa nên lạc quan sớm, dù tôi không đứng ở góc độ bi quan nhưng cần có thời gian quan sát thêm hành động của FED. Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất sẽ dẫn tới yếu tố khác, các NHTW trên thế giới trong đó có NHNN bắt đầu thay đổi quan điểm về điều hành lãi suất, các nhà đầu tư tài chính trở nên thận trọng hơn, có thể xoay trục các kênh đầu tư của họ.

Nếu giảm cũng không sâu

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Trước kỳ nghỉ Lễ, thị trường cũng đã có những phiên điều chỉnh, rung lắc. Nhưng điểm tích cực ở nhịp giảm là thị trường giữ được mốc 1.030 điểm, hiện mốc này đóng vai trò hỗ trợ mạnh, VN-Index chưa xuyên thủng được vùng này trong ngắn hạn.

Tôi cho rằng thị trường vẫn trong trạng thái đi ngang với thanh khoản thấp, dòng tiền có sự phân hóa. Kể cả thị trường tăng điểm cũng không dàn trải đều ở các cổ phiếu mà tập trung cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao.

Theo tôi, hiện tượng “Sell in May” có thể có xảy ra trong tháng 5 này, khả năng cao là tháng giảm điểm của thị trường, tuy nhiên mức giảm không mạnh khi phân hóa dòng tiền đang xảy ra.

Sau cuộc họp của FED và quyết định ECB tăng lãi suất 0,25%, điều thị trường đang lo ngại lãi suất vẫn có thể tăng nếu lạm phát vẫn duy trì cao. Nhưng nhìn gần đây, giá dầu đang giảm, lạm phát có thể tiếp tục hạ nhiệt. Rủi ro lớn nhất thị trường hiện nay từ việc FED tăng lãi suất như 2022 đã qua đi, đã phản ánh vào giá. Thị trường đang tìm đến vùng cân bằng, nếu giảm trong tháng 5 cũng không giảm sâu.

Trong thời gian qua, Chính phủ liên tiếp đưa ra các chính sách nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, như các chính sách từng áp dụng thời COVID, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường bất động sản, NHNN đang sửa đổi Thông tư 16…

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, hiện mới chỉ có dấu hiệu nới lỏng chính sách chứ chưa hoàn toàn là nới lỏng. Có hai vấn đề, một là chưa giảm lãi suất cơ bản vì vậy dù lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm nhưng lãi suất cho vay chưa hạ nhiệt nhiều. Các doanh nghiệp vẫn đang chịu mặt bằng lãi suất cao, chưa quay trở lại thời điểm trước khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh lãi suất trên thế giới cũng đang cao chưa hạ nhiệt thì rất khó NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ ngay. Điều này có thể phải diễn ra sau quý 2, là thời điểm có khả năng FED dừng nâng lãi suất.

Hiện tượng “Sell in May” có thể có xảy ra trong tháng 5 này, khả năng cao là tháng giảm điểm của thị trường, tuy nhiên mức giảm không mạnh khi phân hóa dòng tiền đang xảy ra.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Những quyết sách cho thị trường bất động sản, sửa đổi Thông tư 36 hiện cũng chưa có quyết định cuối cùng, nói cách khác NHNN vẫn đánh giá rủi ro cao với thị trường bất động sản. Gần đây chúng ta đẩy mạnh giải quyết thủ tục giấy phép cho bất động sản, nếu câu chuyện này chưa hoàn tất thì ngân hàng cũng không dám cho vay. Việc cho vay ra vẫn khá dè dặt nên tính thanh khoản thị trường này chưa khôi phục. Mấu chốt vấn đề là phải giải quyết được căn bản pháp lý của các dự án. Hiện vẫn bị “tắc” chỗ này.

Tôi cho rằng, các giải pháp cho thị trường bất động sản phải chờ sau quý 2 mới có thể kỳ vọng các chính sách giải tỏa được tâm lý thị trường này, dần dần tín dụng mới chảy được vào thị trường bất động sản. Trước mắt các chính sách mới chỉ mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Nhìn lại thanh khoản thị trường chứng khoán thời gian qua chưa tăng nhiều, lên vài phiên rồi hạ nhiệt.

Thế giới vẫn đang trong giai đoạn kinh tế đi xuống, ảnh hưởng chung tới nền kinh tế các nước trong đó có Việt Nam. Hiện thị trường chứng khoán đã đi qua giai đoạn rủi ro lớn nhất, không thể giảm sâu, thị trường đang tìm vùng đáy dài hạn.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE