Tăng trưởng tín dụng chệch định hướng khiến "room" tín dụng khó nới

Dù Ngân hàng Nhà nước liên tục nhấn mạnh và giữ quan điểm kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, nhưng thực tế cho thấy một phần chệch hướng.
Tín dụng đang rất mạnh chảy mạnh vào bất động sản (Hình minh họa).
Tín dụng đang rất mạnh chảy mạnh vào bất động sản (Hình minh họa).

Dòng vốn vẫn chảy mạnh vào bất động sản

Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ trương tiếp tục hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên nhằm nhanh chóng khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông,…

Tuy nhiên, thực tế 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng bất động sản lại đột biến và vượt xa mức tăng trưởng chung.

Cụ thể, số liệu mới nhất từ NHNN cho biết, tín dụng toàn ngành kinh tế đến ngày 30/6/2022 đã tăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản đến tháng 6/2022 đã tăng vượt trội khi đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng tới 14,07% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).

Bóc tách chi tiết hơn, NHNN cho biết, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

Nợ xấu lĩnh vực này khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).

Thông thường, nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản thường có thời gian vay vốn dài (khoảng 94% dư nợ tín dụng lĩnh vực này có thời gian vay vốn từ 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của hệ thống TCTD chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường (80% nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD là tiền gửi ngắn hạn).

Với sự lệch pha lớn về kỳ hạn này, khi tín dụng được đẩy mạnh quá mức vào bất động sản sẽ tạo rủi ro lớn trong cân đối nguồn và thanh khoản, gây sức ép đối với lãi suất, ảnh hưởng tới an toàn hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Và đây cũng là lý do suốt giai đoạn vừa qua NHNN luôn chủ trương kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này, cũng như áp hệ số rủi ro cao hơn so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.

Hẫng trái phiếu và nước chảy chỗ trũng?

Như trên, nhiều năm qua NHNN nhất quán chủ trương kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, các dự án giao thông BOT... Cùng đó, cơ quan này luôn nhấn mạnh định hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Song, thực tế nửa đầu năm nay tín dụng bất động sản đã tăng vượt trội, cao hơn nhiều so với mức bình quân. Điều này đồng nghĩa vốn cho các lĩnh vực sản xuất khác bị chia sẻ hoặc tăng trưởng thấp hơn.

Có thể xét đến nguyên do, người dân có xu hướng "bắt đáy" lãi suất cho vay khi còn ở vùng thấp trước khi mặt bằng mới dâng lên khi kinh tế phục hồi và chính sách tiền tệ dần bình thường hóa sau đại dịch.

Thứ nữa, cao điểm tăng trưởng tín dụng bất động sản nửa đầu năm nay rơi vào thời điểm thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp "cú sốc" rủi ro lô trái phiếu liên quan Tập đoàn Tân Hoàng Minh và phản ứng co cụm, suy giảm huy động vốn trên thị trường này. Theo đó, nhu cầu lại dồn sang tín dụng, cũng như có một phần áp lực nguồn tiền phải mua lại trái phiếu do nhà đầu tư quan ngại rủi ro rút/bán lại trước hạn.

Với các ngân hàng thương mại, một điểm khác được nhìn đến ở nguyên lý “nước chảy chỗ trũng”. Trong bối cảnh cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên bị khống chế trần lãi suất, các ngân hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển sang cho vay các phân khúc có lãi biên cao hơn là vay tiêu dùng bất động sản nhằm giải tỏa áp lực chi phí đội lên từ lãi suất đầu vào tăng lên.

Và như trên, thực tế tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay đã có phần chệch hướng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực và mục tiêu lái vốn của NHNN.

Với lý do đó, Nhà điều hành sẽ càng có cơ sở để kiểm soát chặt chẽ hơn về "room" tăng trưởng tín dụng, nắn lại dòng vốn theo đúng định hướng; cũng như góp phần lý giải vì sao năm nay việc nới "room" vẫn chưa "rộn ràng" như những năm trước. Mà một thực tế giới hạn tăng trưởng ở đây không quá ngột ngạt, mà do nhiều ngân hàng đã sớm đẩy tín dụng tăng quá nhanh, dùng quá nhiều dư địa đã giao trước đó - một lý do mà NHNN vừa qua cũng đã giải thích cụ thể.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE