Thách thức nào chờ đợi VinFast khi lấn sân sang thị trường Đông Nam Á?

Tại hội nghị và triển lãm Future Mobility Asia 2023 diễn ra từ ngày 17-19/5 tại Bangkok (Thái Lan), VinFast công bố định hướng mở rộng sang thị trường xe điện Đông Nam Á với dải xe điện hoàn chỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Future Mobility Asia 2023 đánh dấu lần đầu tiên VinFast ra mắt thương hiệu và sản phẩm tại châu Á. Tại sự kiện, VinFast trưng bày 3 mẫu xe điện VF e34, VF 8, VF 9 và tổ chức lái thử trong khuôn khổ sự kiện.

Thị trường rộng mở

Đánh giá về động thái của hãng xe Việt, chuyên gia ô tô Nguyễn Việt Hưng nhận định, việc VinFast mở rộng thị trường sang Đông Nam Á là điều đã được báo trước khi việc xuất khẩu sang Bắc Mỹ và cả châu Âu bước sang giai đoạn hai.

Trong khi Đông Nam Á mà Việt Nam là thành viên đang là thị trường rộng mở cho các thương hiệu ô tô lớn trên thế giới, đặc biệt là dòng xe điện, việc phát triển sang Đông Nam Á của VinFast đến mức độ nào phụ thuộc vào mục tiêu tới đây của hãng xe này.

Xe VinFast xuất hiện tại hội nghị và triển lãm Future Mobility Asia 2023

Xe VinFast xuất hiện tại hội nghị và triển lãm Future Mobility Asia 2023

Theo ông Nguyễn Việt Hưng, thị trường ASEAN hiện có gần 690 triệu người, trong năm 2022, tổng doanh số ô tô đạt 3,42 triệu xe (gồm cả xe điện và xe động cơ đốt trong). Các nước Đông Nam Á đều là thị trường tiêu thụ xe điện tiềm năng, có dư địa phát triển dồi dào và tốc độ tăng trưởng nhanh. Với vị trí địa lý thuận lợi và các tiêu chuẩn cũng như môi trường kinh doanh tương đồng, thị trường Đông Nam Á sẽ là một trong những đòn bẩy thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của VinFast và Tập đoàn mẹ Vingroup trong tương lai.

Ngoài ra, các thị trường lớn trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều có các chính sách ưu đãi rất rõ ràng để phát triển mảng xe điện theo các định hướng phát triển kinh tế riêng của quốc gia. Chính vì vậy, cơ hội của các thương hiệu ô tô đều ngang nhau.

“Thương hiệu nào vận dụng được lợi thế nội tại, thích ứng chính sách, tối ưu được sản xuất, giá thành và nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của thị trường, thương hiệu đó sẽ thắng. Thị trường Đông Nam Á sòng phẳng với tất cả hãng xe”, ông Hưng nhận định.

Động lực phát triển từ cạnh tranh

Cùng chung nhận định, chuyên gia phương tiện điện hoá Nguyễn Thúc Hoàng Linh cho rằng, Đông Nam Á hiện là thị trường có nhiều tiềm năng, do đó không chỉ VinFast mà nhiều nhà sản xuất lớn khác cũng sẽ dòm ngó. Tuy nhiên, là hãng xe Việt Nam, VinFast sẽ có lợi thế rất lớn kể cả về chính sách, thuế quan cho tới hậu cần.

Theo ông Linh, Đông Nam Á hiện cũng có nhiều quốc gia rất hứng thú với phát triển xe điện, nổi bật là Indonesia, đây có thể là thị trường tiềm năng cho VinFast. Với giá tốt và sản phẩm phù hợp thị hiếu, VinFast có cơ hội thành công bất chấp sự cạnh tranh của nhiều ông lớn.

Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn cung sẽ là thách thức lớn, bởi ngay ở Việt Nam vừa qua đây cũng là yếu tố bó buộc khả năng phục vụ khách hàng của hãng.

VinFast có lợi thế về hậu cần nếu hiện diện ở Đông Nam Á

VinFast có lợi thế về hậu cần nếu hiện diện ở Đông Nam Á

Thị trường xe điện tiềm năng của Đông Nam Á thể hiện qua động thái Tesla xâm nhập thị trường Thái Lan với hai mẫu xe trình làng tại Bangkok cuối năm 2022. Trước Tesla, BYD và Great Wall Motor (Trường Thành) cũng hiện diện tại “công xưởng” xe xăng Đông Nam Á bằng các nhà máy lớn. Trong đó, BYD khởi công dây chuyền dự kiến hoạt động từ năm 2024, với công suất 150.000 xe điện/năm. Great Wall Motor cải tạo nhà máy mua lại từ General Motors để sản xuất mẫu xe điện nhỏ gọn Ora Good Cat vào quý 1/2024.

Hai “ông lớn” của Nhật Bản là Honda Motor và Toyota đều công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt xe SUV, bán tải chạy điện ở Thái Lan. Trong khi đó, hãng xe châu Âu BMW xây nhà máy lắp ráp ôtô hybrid tại đây từ năm 2017, Mercedes-Benz cũng sản xuất mẫu xe điện EQS ở Thái Lan cuối năm nay.

Tại Indonesia, Hyundai Motor khai trương nhà máy từ cuối năm 2022 để sản xuất mẫu xe điện Ioniq 5. Liên doanh GM Motors, SAIC và Wuling Motors cũng dự kiến sản xuất từ cuối năm nay, hướng tới mục tiêu có 2,2 triệu ô tô điện tại quốc gia này vào năm 2030. Quốc gia vạn đảo sở hữu ưu thế lớn nhờ trữ lượng niken phục vụ cho việc chế tạo pin (23% trữ lượng toàn cầu). Nhờ vậy, Tesla, LG đều chọn Indonesia để xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện.

Đánh giá về những khó khăn, ông Nguyễn Việt Hưng cho rằng: “Bước chân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, VinFast đối mặt với nhiều trở ngại. Lợi thế sân nhà với sự quan tâm của người tiêu dùng, hệ sinh thái được hưởng từ tập đoàn mẹ đều để lại Việt Nam. VinFast là một thành viên tham gia, chứ không còn với tư cách người tạo cuộc chơi như tại Việt Nam.

Ngoài ra, VinFast là thương hiệu mới 4 năm tuổi, các thị trường khác trong ASEAN đều mới chỉ biết về VinFast qua truyền thông hay mạng xã hội, trong khi mảng ô tô cần nhiều hơn thế để thuyết phục người tiêu dùng”.

Tuy vậy, ông Hưng cho rằng cơ hội vẫn mở ra với hãng xe Việt nếu đủ quyết tâm chinh phục thị trường mới này, chưa kể những ưu thế cho VinFast về hậu cần, vận chuyển, chính sách thuế ưu đãi nội khối.

Ngoài ra, nếu đủ tầm ảnh hưởng, việc xuất hiện như một điều khoản trao đổi (hỗ trợ kinh doanh ô tô điện) trong các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương về hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng sẽ mang tới cho VinFast những ưu thế nhất định, đặc biệt trước các đối thủ xe điện khác, đặc biệt từ Trung Quốc.

Theo Lao động & Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE