Thái Lan thúc đẩy ngoại thương để khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch

Thái Lan sẽ thúc đẩy thương mại xuyên biên giới và các hợp đồng gạo G2G (xuất khẩu gạo theo hợp đồng liên chính phủ) với Trung Quốc để giúp khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tân Tổng Giám đốc Cục Ngoại thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan ngày 3/10 cho biết ưu tiên của ông là thúc đẩy thương mại xuyên biên giới và các hợp đồng gạo G2G (xuất khẩu gạo theo hợp đồng liên chính phủ) với Trung Quốc để giúp khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Ông Ronnarong Phoolpipat, người mới đây được bổ nhiệm đứng đầu DFT, cho biết chương trình làm việc quan trọng nhất của DFT hiện nay là thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, với giá trị thương mại trong 8 tháng đầu năm nay đạt 1.150 tỷ baht (tương đương 30,3 tỷ USD), tăng 3,18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu xuyên biên giới tăng nhẹ 0,11% đạt 682,84 tỷ baht còn nhập khẩu tăng 7,98% lên 471,02 tỷ baht. Tính riêng trong tháng Tám, Thái Lan đạt thặng dư 211,82 tỷ baht.

Ông Ronnarong nhận định đồng baht yếu và các nền kinh tế đang phục hồi tại Myanmar và Lào là những yếu tố chính thúc đẩy thương mại xuyên biên giới của Thái Lan trong năm nay.

Chỉ tính riêng nhu cầu năng lượng gia tăng đã giúp xuất khẩu của Thái Lan sang Myanmar và Lào tăng lần lượt 100% và 115% so với 8 tháng đầu năm 2021.

Ông nói thêm rằng khi tình hình COVID-19 được cải thiện, tiêu thụ và sản xuất trong khu vực cũng đang phục hồi trở lại.

Trong 8 tháng đầu năm, Malaysia đã nhập khẩu nhiều hơn 389,42% lượng ô tô và 131,43% lốp xe từ Thái Lan so với năm trước.

Trong khi đó, Campuchia nhập khẩu nhiều hơn 618,91% lượng bảng mạch và 93,41% lượng vải và sợi từ Thái Lan.

Tổng giám đốc DFT cũng nhấn mạnh sẽ tập trung vào các hợp đồng G2G bán gạo sang Trung Quốc theo Khuôn khổ hợp tác đường sắt cao tốc Thái Lan-Trung Quốc.

Theo hợp đồng này, Trung Quốc sẽ mua 2 triệu tấn gạo của Thái Lan.

Cho đến nay, 720.000 tấn đã được vận chuyển. DFT sẽ làm việc với Chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy sớm vận chuyển nốt khối lượng gạo còn lại.

Ngoài ra, Thái Lan đang nỗ lực tìm kiếm các bạn hàng mới, đặc biệt ở Malaysia, Singapore, Philippines, Iraq và Saudi Arabia.

DFT cũng sẽ xem xét luật chống bán phá giá để đảm bảo các hoạt động thương mại được thực hiện tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất nhằm bảo vệ thị trường trong nước.

Theo Vietnam+

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE