Thái Lan và Việt Nam là “điểm nóng” về giao dịch tiền điện tử

2 quốc gia ghi nhận hơn 100 tỷ USD giao dịch trong một năm, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, ghi nhận 112,6 tỷ USD giá trị giao dịch tiền điện tử
Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, ghi nhận 112,6 tỷ USD giá trị giao dịch tiền điện tử

Thái Lan và Việt Nam trở thành trung tâm giao dịch tiền điện tử hàng đầu trong nhóm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vượt trên cả trung tâm tài chính Singapore, quốc gia đang cố gắng kiểm soát lĩnh vực mới này bằng các bộ luật.

Theo thống kê được công bố hôm 21/9 bởi nền tảng dữ liệu blockchain Chainalysis, 2 thành viên ASEAN ghi nhận hơn 100 tỷ USD giá trị mua và bán tiền điện tử trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 6 năm nay

“Người dùng ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp thường dựa vào tiền điện tử để gửi tiền, bảo toàn số tiền tiết kiệm trong thời kỳ tiền tệ biến động mạnh. Những nơi này cũng có xu hướng dựa vào Bitcoin và stablecoin nhiều hơn các quốc gia khác”, báo cáo của Chainalysis nhận định.

Thái Lan và Việt Nam chứng kiến ​​lưu lượng truy cập cao đến các sàn giao dịch NFT, cung cấp quyền sở hữu trên nền tảng Blockchain, vốn là “sổ cái” phi tập trung giúp ngành công nghiệp tiền điện tử hoạt động.

Thái Lan ghi nhận 135,9 tỷ USD giá trị tiền điện tử được giao dịch trong năm, trong khi con số này của Việt Nam là 112,6 tỷ USD. Singapore chỉ đạt được 100,3 tỷ USD, vì cơ quan quản lý tài chính của nước này đang trong quá trình đưa ra các quy tắc, luật lệ để thắt chặt giám sát với những giao dịch này.

Giá trị giao dịch tiền điện tử của các quốc gia ASEAN từ tháng 7/2021-6/2022

Giá trị giao dịch tiền điện tử của các quốc gia ASEAN từ tháng 7/2021-6/2022

Ở Singapore, một số người chơi tiền điện tử mở cửa hàng tại đây bị bắt trong thời gian thị trường tiền điện tử rơi vào khủng hoảng bán tháo đầu năm nay. Hồi tháng 5, đồng TerraUSD (UST) trị giá gần 19 tỷ USD vào thời điểm đỉnh cao và đồng Luna cùng sụp đổ khiến những đồng tiền này trở thành vô giá trị.

Hàng loạt đồng tiền mã hoá biến động gây ra cuộc khủng hoảng cho các công ty kinh doanh, sở hữu tài sản số. Điều này khiến các nhà quản lý, dư luận ở những quốc gia Đông Nam Á tỏ ra thận trọng hơn với tiền điện tử.

Tuần trước, một bản nâng cấp được chờ đợi từ lâu với Ethereum, công nghệ Blockchain làm nền tảng cho ether - tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới sau Bitcoin - không làm tăng giá đồng tiền này. Dù rằng sự kiện được ca ngợi “mang tính bước ngoặt với lĩnh vực tài sản ảo”.

Bản nâng cấp Ethereum giúp cắt giảm đáng kể việc sử dụng năng lượng cho việc tạo ra tiền mới. Điều này khiến việc đầu tư vào Ethereum trở nên hấp dẫn hơn với những người chơi lo ngại về thiệt hại môi trường do ngành công nghiệp tiền điện tử gây ra.

Vijay Ayyar, Phó chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp và mở rộng toàn cầu của nền tảng tiền điện tử Luno có trụ sở tại London, cho biết: “Tất cả thị trường có rủi ro đều đang bị đè nặng bởi các yếu tố vĩ mô như lạm phát và lãi suất, dẫn đến một cuộc suy thoái tiềm năng sắp tới.

Với giá cả tăng vọt trên toàn cầu sau xung đột Nga - Ukraine trong năm nay và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện chiến lược kiềm chế chi phí gia tăng bằng cách tăng lãi suất, các nhà đầu tư đang chạy trốn khỏi các phương tiện tài chính rủi ro như tiền điện tử”.

Theo KPMG, những nhà đầu tư dường như không muốn rót vốn vào các công ty về tiền điện tử. Số liệu của KPMG cho thấy nguồn vốn cho tiền điện tử ở Singapore giảm hơn một nửa giá trị.

Dòng vốn đầu tư tiền điện tử giảm xuống còn 539,1 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022, từ 1,3 tỷ USD trong nửa cuối năm ngoái. KPMG đánh giá các giao dịch tiền điện tử cũng có quy mô nhỏ hơn. Lĩnh vực này đang thực hiện một số giao dịch hợp nhất với 7 thỏa thuận thoái vốn hoặc sáp nhập được ký kết.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE