Thăng trầm của Samsung: Chiến lược kinh doanh mới

Samsung mạnh về truyền thông tiếp thị, định vị là thương hiệu cao cấp về điện thoại thông minh, TV và thiết bị viễn thông.
Samsung có vai trò lớn định vị Hàn Quốc trên bản đồ các quốc gia sản xuất bán dẫn trên thế giới
Samsung có vai trò lớn định vị Hàn Quốc trên bản đồ các quốc gia sản xuất bán dẫn trên thế giới

Colley Hwang, Chủ tịch của Digitimes châu Á, là nhà phân tích công nghệ có hơn 30 năm kinh nghiệm. Ông là tác giả một số cuốn sách về các xu hướng và sự phát triển của ngành công nghệ gồm “Asian edge: On the frontline of the ICT world” xuất bản năm 2019 và “Disconnected ICT supply chain: New power plays unfolding” năm 2020.

Là người quan sát sự thăng trầm của Samsung từ lâu, Colley Hwang muốn nhìn vào những vấn đề chính sẽ ảnh hưởng đến Samsung trong 10 năm tới từ một góc độ khác. “Samsung Electronics đang đi lên hay đi xuống? Tôi không nói về giá cổ phiếu, mà là khả năng cạnh tranh của Samsung”, Colley Hwang mở đầu bài viết.

Chiến lược mới của Samsung?

Trong vài thập kỷ qua, Samsung là đối thủ cạnh tranh chính của các công ty Đài Loan (Trung Quốc), nhưng hiện tại, ngoại trừ đối đầu với TSMC trong lĩnh vực đúc, Samsung lại chuyển hướng mua ồ ạt các sản phẩm điện tử từ các nhà cung cấp Đài Loan.

Ở chiều ngược lại, UMC, AUO, các nhà sản xuất thiết bị netcom và những hãng module sắm nhiều linh kiện bộ nhớ từ Samsung. Những công ty này cần quan tâm đến chiến lược tương lai của tập đoàn Hàn Quốc.

Cách đây không lâu, ông chủ của một công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ mảng kinh doanh bộ nhớ của Samsung đang xuống dốc và sẽ bị đối thủ Micron vượt mặt. Liệu điều đó có trở thành hiện thực? Samsung có dễ dàng bị bắt nạt?

Một số ý kiến có cách nhìn nhận khác, ủng hộ Samsung, với tư cách là công ty dẫn đầu thế giới về công nghệ, quy mô sản xuất và độ nhận diện thương hiệu, nhưng giá cổ phiếu và giá trị vốn hóa thị trường không bằng các công ty cùng hạng. Những người này nói rằng Samsung xứng đáng có vị thế tốt hơn.

Như vậy, cần đánh giá những công ty nào được coi là cùng đẳng cấp với Samsung? Apple, TSMC hay Intel? So với những công ty tầm cỡ thế giới này, Samsung có điểm mạnh và điểm yếu gì?

Samsung mạnh về truyền thông tiếp thị, định vị tập đoàn là thương hiệu cao cấp về điện thoại thông minh, TV và thiết bị viễn thông. Công ty cũng cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng để nâng cao vị thế quốc tế, làm ăn với đối tác đẳng cấp tầm thế giới.

Samsung mua Harman năm 2017 với giá 8 tỷ USD, nhằm củng cố vị thế của hãng trong thị trường ô tô và đa phương tiện. Nhưng liệu việc mua lại Harman có thành công? Liệu Samsung, công ty giữ số tiền mặt khoảng 100 tỷ USD trong vài năm qua, có bù đắp được những mảng khuyết bằng chiến dịch mua lại?

Các tiêu chuẩn ngành và công thức chiến thắng đang thay đổi. Sự cạnh tranh theo cấu trúc G2 (Mỹ và Trung Quốc) và bố cục chiến lược của những gã khổng lồ Internet đang hình thành nên bản đồ ngành công nghiệp tương lai. Samsung thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc xác định liệu Hàn Quốc có tham gia liên minh “Chip 4” (liên minh các quốc gia sản xuất bán dẫn gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) hay không.

Phó chủ tịch Lee Jae-yong là người lèo lái Samsung trong thời kỳ mới

Phó chủ tịch Lee Jae-yong là người lèo lái Samsung trong thời kỳ mới

Sự cạnh tranh mà Samsung đang phải đối mặt không còn giống trước đây, từ các công ty Đài Loan hay Nhật Bản. Thay vào đó, áp lực liên quan đến việc triển khai chiến lược quốc tế ở cấp độ cao nhất. Đó là sức mạnh chính trị của Mỹ và Trung Quốc tạo thành trật tự mới. Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc không phải là những tay chơi thuộc hàng số 1. Nếu bạn muốn có một phần trong các cơ hội kinh doanh hàng đầu thế giới, sức mạnh quốc gia là điều cần thiết. Hàn Quốc khao khát phát huy sức mạnh quốc gia, nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Thứ hai, các công ty nghĩ rằng có thể dựa vào sản xuất thông minh để đáp ứng nhu cầu của nhiều sản phẩm với số lượng nhỏ cung cấp cho thị trường toàn cầu. Nhưng sản xuất bản địa hóa và phân công lao động có thể trở thành xu hướng tối ưu hơn so với sản xuất thông minh. Vậy làm cách nào để Samsung, vốn quen với việc tích hợp theo chiều dọc từ khâu đầu đến khâu cuối, lại có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình?

Nhìn lại cơ cấu kinh doanh của Samsung

Để hiểu về Samsung, điều quan trọng là phải nhìn vào cấu trúc kinh doanh của công ty. Doanh thu của Samsung được dự báo đạt 240 tỷ USD vào năm 2022, trong đó gần 40% đến từ bộ phận di động - chủ yếu gồm smartphone và khoảng 30% từ bán dẫn, với bộ nhớ chiếm phần lớn doanh thu.

Tuy nhiên, xét về lợi nhuận, bộ phận bộ nhớ chiếm hơn 50%, trong khi bộ phận di động, tạo ra gần 40% doanh thu, chỉ đóng góp 22% lợi nhuận của tập đoàn. Đối với Samsung, bộ nhớ là “huyết mạch” của tập đoàn, nhưng bộ nhớ tiêu chuẩn dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả thị trường, khiến lợi nhuận bất ổn.

Nền kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái từ giữa năm 2022, mảng bộ nhớ DRAM chịu gánh nặng của tác động. DRAM khó có khả năng phục hồi cho đến giữa năm 2023 và NAND thậm chí sẽ không có cơ hội trở lại trạng thái cân bằng cung cầu cho đến cuối năm 2023. Samsung không muốn phụ thuộc quá nhiều vào bộ nhớ. Đây là lý do công ty đang cố gắng hiện diện nhiều hơn trên thị trường System LSI.

Doanh thu mảng smartphone chiếm tỷ lệ 38,2%...

Doanh thu mảng smartphone chiếm tỷ lệ 38,2%...

... nhưng chỉ đem về lợi nhuận 22,3% cho Samsung

... nhưng chỉ đem về lợi nhuận 22,3% cho Samsung

Ước tính đến năm 2022, doanh thu của bộ phận System LSI, chủ yếu tập trung vào kinh doanh đúc, chiếm hơn 9% doanh thu của công ty, nhưng lợi nhuận của bộ phận này chỉ chiếm 3% tổng lợi nhuận trong năm 2021.

Lợi nhuận của bộ phận này có thể tăng mạnh vào năm 2022 hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu Samsung có thể đảm bảo đơn đặt hàng từ khách hàng cho công nghệ 3nm hay không - một quy trình sản xuất mà công ty dành rất nhiều thời gian để phát triển.

Samsung đặt nhiều kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh xưởng đúc và tin rằng chỉ TSMC và Intel là đối thủ cạnh tranh với quy trình dưới 7 nm và nhiều nhà sản xuất chip kỳ vọng có nguồn cung thứ hai ngoài TSMC. Vì vậy, ngay cả khi Samsung không thể vượt qua TSMC, doanh thu mảng này vẫn tốt với công ty Hàn Quốc.

Nhưng đơn đặt hàng sản xuất chip cho quy trình tiên tiến rất khác so với các đơn đặt hàng sản xuất máy tính xách tay hoặc smartphone, vốn những thay đổi có thể diễn ra khá thường xuyên.

Ngay cả khi chi mạnh tay vào việc mua thiết bị bán dẫn, Samsung vẫn sẽ không thể thách thức sự thống trị của TSMC trong tương lai gần. Trong khi đó, đầu tư quá mức vào bán dẫn sẽ tạo ra gánh nặng cho Samsung. Năm 2018, vốn đầu tư đúc của Samsung chỉ là 15,6% trong toàn bộ hoạt động kinh doanh bán dẫn của hãng, nhưng con số này lên tới 40% trong vài năm tới, chiếm khoảng 25% vốn đầu tư đúc toàn cầu.

Nếu không có bước đột phá trong quy trình sản xuất chip tiên tiến, mảng smartphone và sản phẩm bộ nhớ không còn tạo ra lợi nhuận cao, Samsung chắc chắn sẽ rơi vào thế khó. TSMC nhận được hơn 30 tỷ USD thanh toán trước từ khách hàng chỉ tính riêng cho năm 2023. Vì vậy, tập đoàn Đài Loan không chịu nhiều áp lực trong mảng đúc chip như Samsung.

Xét về doanh số, mảng kinh doanh smartphone của Samsung là số 1 thế giới, nhưng doanh số bán điện thoại di động của Samsung bị đình trệ trong vài năm qua. Bộ phận smartphone, từng đóng góp hơn một nửa lợi nhuận của công ty, giờ chỉ tạo ra hơn 20% lợi nhuận. Samsung hy vọng doanh số bán điện thoại tăng lên có thể là đòn bẩy để tiêu thụ linh kiện của hãng nhưng điều này có thể không đạt được như mong muốn.

Mục tiêu doanh số hàng năm của Samsung cho smartphone đạt 300 triệu chiếc, nhưng trong những năm gần đây, số lượng này chỉ vào khoảng 270 triệu chiếc mỗi năm. Điện thoại phổ thông và tầm trung đạt một tỷ trọng nhất định trong tổng doanh số bán smartphone của Samsung.

Với Samsung, công ty có doanh thu hàng năm lên tới 240 tỷ USD, việc sản xuất điện thoại phổ thông và tầm trung giờ đây hầu như không có ý nghĩa. Do đó, Samsung đang tăng tỷ trọng thuê ngoài, nhờ các đối tác ở Trung Quốc.

Nhưng dường như tại thị trường Trung Quốc, smartphone Samsung đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu địa phương. Thị phần điện thoại hiện tại của Samsung tại Trung Quốc chưa đến 1%, đó là lý do tại sao Samsung hiện tích cực hơn trong việc thiết lập các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ.

Riêng với TV và các mặt hàng điện tử gia dụng khác, tỷ trọng doanh thu không thấp (18,3%). Samsung nhiều lần nhấn mạnh rằng TV của hãng đứng đầu thế giới trong 16 năm liên tiếp. Trong phân khúc TV cao cấp trên 55 inch, Samsung chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, bộ phận điện tử tiêu dùng, ở trong tình trạng ảm đạm trong một thời gian dài, chỉ đóng góp khoảng 4% tổng lợi nhuận của công ty. Đây là sự sụt giảm đáng kể.

Như vậy, mảng điện tử tiêu dùng không có nhiều ý nghĩa, bộ phận smartphone khó có thể tăng trưởng và mảng kinh doanh bộ nhớ tiêu chuẩn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế, đặc biệt khi Micron, YMTC và Kioxia muốn cạnh tranh quyết liệt.

Có vẻ hợp lý khi Samsung đặt cược vào mảng kinh doanh System LSI, nhưng đối thủ TSMC “đang nằm trên đầu”. Sẽ rất khó để Samsung vượt qua TSMC.

(Còn nữa)

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE