"Thị trường dị biệt", rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu vẫn còn các yếu tố cần xét?

Rút ngắn kỳ điều hành giá theo ngày giúp giá xăng dầu trong nước bắt nhịp càng nhanh, sát với thị trường quốc tế hơn nhưng vẫn còn các yếu tố cần xét đến liên quan điều hành trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, tại phiên giải trình về tình hình nhiều đầu mối xăng dầu tại Hà Nội, TP.HCM không bán hoặc bán nhỏ giọt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, quy định về tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 95 là trong điều kiện bình thường.

Tuy vậy, thị trường xăng dầu năm nay rất dị biệt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn nên đã bộc lộ khiếm khuyết trong điều hành. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, để phù hợp thực tế.

"Nếu 10 ngày không phù hợp thì có thể rút thời gian điều hành xuống còn 5 ngày. Thậm chí, nếu lấy ý kiến rộng rãi người dân, đối tượng chịu tác động, đa số ý kiến cho rằng điều chỉnh giá theo ngày là phù hợp thì Bộ sẽ tham mưu Chính phủ", ông Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

MỤC TIÊU QUÁ THAM VỌNG?

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, điều tiết xăng dầu xuống còn 5 ngày là phù hợp, thậm chí nếu 5 ngày không còn phù hợp thì phải điều tiết hàng ngày giống như thị trường thế giới hiện nay.

“Ở quốc tế, người ta điều tiết mỗi ngày tại sao Việt Nam lại điều tiết 10 ngày, 7 ngày hay 5 ngày? Như vậy là điều không hợp lý”, đại biểu Pham Văn Hòa đặt câu hỏi.

Còn đại biểu Trương Xuân Cừ (TP.Hà Nội) cho rằng, ý kiến của Bộ Công Thương mang tính ý tưởng còn việc thực hiện được hay không thì phải nghiên cứu hết sức kĩ càng, hết sức cẩn thận.

“Xuất phát từ giá xăng thế giới và nơi mua, rồi quá trình vận chuyển về Việt Nam. Tôi cho rằng có thể rút ngắn hơn so với hiện nay nhưng 5 ngày hay 1 ngày là điều rất khó. Cần phải tính toán hơn trên cơ sở thực tiễn hết sức bài bản và hợp lý thì mới có thể kết luận được”, đại biểu Trương Xuân Cừ nhìn nhận.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, về mặt kinh doanh, giá xăng dầu đáp ứng cho người tiêu dùng càng nhanh thì càng tốt, và điều chỉnh giá hàng ngày là tốt nhất cho người tiêu dùng. Nhưng xét trên diện bình ổn kinh tế vĩ mô thì mục tiêu này quá tham vọng.

“Để làm được như vậy nền kinh tế phải rất nhanh nhạy và linh hoạt thì mới được. Hiện tại, nền kinh tế chúng ta vừa mở nhưng chưa thực sự mạnh, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà đòi hỏi vừa linh hoạt, vừa phải gắn với việc kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô. Trong khi có quá nhiều yêu cầu trong một hoạt động như vậy thì khó có thể đáp ứng được,” đại biểu Nguyễn Quang Huân đánh giá.

GIẢI PHÁP LÂU DÀI?

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu mở bán nhỏ giọt hoặc thậm chí là đóng cửa không bán xăng dầu đã và đang gây khó khăn gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân và doanh nghiệp, thậm chí nếu kéo dài như các nước người ta biểu tỉnh thì ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Vì vậy, vị đại biểu này đề xuất Bộ Công Thương cần xây dựng những cây xăng cơ động, những cây xăng tình thế để đáp ứng nhu cầu người dân, và để làm việc đấy phải chuẩn bị từ sớm, chuẩn bị từ xa. Nếu có hiện tượng này ta phải pháp huy được phương án dự phòng mà đã thiết chế, đã xây dựng.

“Có thể sử dụng cây xăng dự phòng (không phải hoạt động thường xuyên) đến những cây xăng đang bị ách tắc để đáp ứng nhu cầu người dân. Nếu chúng ta chủ động tích cực thì cũng có thể hạn chế tình trạng găm hàng”, đại biểu Trương Xuân Cừ đề xuất.

Về giải pháp lâu dài, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, phải tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "găm hàng", thiếu hụt xăng dầu. Đây không phải câu chuyện của riêng Bộ Công Thương, vì nếu như chỉ ở Bộ Công Thương thì cơ quan này có thể xử lý được ngay theo tinh thần Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nói, ngành rất nỗ lực...

“Các nguyên nhân có thể kể đến như: Do công thức tính giá không đáp ứng kịp thời với sự nhanh nhạy của thị trường; Quỹ bình ổn giá hiện nay cơ chế để sử dụng thường lâu, mất thời gian và liên quan đến nhiều bộ, ngành; biến động trên thế giới, kể cả giá vận chuyển cũng đang biến động, làm cho giá xăng dầu thay đổi hay siết chặt thì nạn buôn lậu xăng dầu và khi làm sạch thị trường có một thực tế là nguồn cung lại ít” đại biểu Trương Xuân Cừ đặt vấn đề .

Vị đại biểu này nhấn mạnh, nếu như các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ngồi lại cùng nhau để tìm ra đâu là nguyên nhân chính và xử lý được vấn đề đó thì sẽ đi vào căn cơ hơn là bây giờ chỉ nói chung chung trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án xanh, phát triển bền vững

Đồng Nai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp giúp Đồng Nai đạt được những thành quả lớn trên lĩnh vực kinh tế. Song, mặt trái của quá trình phát triển này đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững.

Chat với BizLIVE