Thị trường nông sản: Giá lúa tăng, giảm trái chiều

Một số loại lúa có sự tăng/giảm trái chiều. Giá xuất khẩu gạo cũng đi ngang sau khi rời khỏi mức cao nhất trong 2 năm vào tuần trước đó.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong tuần qua, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giá các loại lúa không có biến động nhiều so với tuần trước. Một số loại lúa có sự tăng/giảm trái chiều. Giá xuất khẩu gạo cũng đi ngang sau khi rời khỏi mức cao nhất trong hai năm vào tuần trước đó.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số loại như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; riêng OM 4218 là 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa đi ngang ở hầu hết các loại như: IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang lại có sự giảm ở một số loại như: OC10 ở mức 6.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Riêng IR 50404 ổn định ở mức 6.600 đồng/kg.

Giá lúa ST tại Bến Tre vẫn ở mức 7.800 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 6.800 đồng/kg.

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng giá từ 6.600 – 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.800 – 7.000 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg. Các loại khác vẫn ổn định như: OM 5451 từ 6.300 – 6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 – 6.800 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200 - 6.400 đồng/kg.

Giá lúa nếp khô tại An Giang có giá từ 8.000 – 8.200 đồng/kg; nếp Long An khô từ 8.600 – 8.800 đồng/kg.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tháng 5 các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản thu hoạch xong vụ Đông Xuân 2022-2023 với sản lượng đạt trên 10,5 triệu tấn. Vụ Hè Thu 2023, các tỉnh, thành phố trong vùng xuống giống được 812.000 ha/1,5 triệu ha kế hoạch và đã bắt đầu thu hoạch đạt khoảng 33.000 ha.

Về xuất khẩu, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/5, gạo 5% tấm Việt Nam được chào bán ở mức từ 485-495 USD/tấn, không đổi so với giá của tuần trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, xuất khẩu gạo tháng 4/2023 ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 573,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Một thương nhân trong ngành công nghiệp của Việt Nam cho biết, hoạt động mua – bán gạo diễn ra mạnh mẽ là nhờ các nhà xuất khẩu đang đẩy mạnh mua hàng để hoàn thành các hợp đồng đã ký.

Tương tự, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán bằng với giá của tuần trước, ở mức 376-380 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Đây là tuần thứ tư giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm.

Nhà xuất khẩu gạo có trụ sở tại tỉnh Kakinada, bang miền Nam Andhra Pradesh cho biết nhu cầu yếu, cộng hưởng với nguồn cung từ vụ Đông cũng đang bị chậm lại do lượng mưa không kịp trong vài tuần qua, là nguyên nhân khiến gạo Ấn Độ bị mất giá.

Trong khi đó, tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo trong tuần từ ngày 7-12/5 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 4 tháng. Cụ thể, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 498 – 500 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức giá 485 USD/tấn của tuần trước, nhờ nhu cầu tăng và đồng baht mạnh lên.

Tại Bangladesh, Bộ Nông nghiệp nước này đã ban hành khuyến cáo nông dân cần nhanh chóng thu hoạch 80% lúa và các loại cây trồng khác, để hạn chế thiệt hại trong cơn bão Mocha, dự kiến sẽ đổ bộ vào cuối tuần này.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) lên xuống trái chiều tại phiên giao dịch ngày 12/5; trong đó ngô và lúa mỳ tăng, còn đậu tương giảm.

Kết thúc phiên này, giá ngô giao tháng 7/2023 được giao dịch nhiều nhất, tăng 4 xu (0,69%) lên 5,8625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 7/2023 tăng 7,75 xu (1,24%) lên 6,35 USD/bushel. Nhưng giá đậu tương giao tháng 7/2023 giảm 15,5 xu (1,1%) xuống còn 13,9 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các thương gia trên sàn CBOT đang chờ báo cáo Ước tính Cung và Cầu nông nghiệp Thế giới với dự kiến triển vọng sản lượng nông nghiệp giảm do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn tại nhiều vùng trồng trọt.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự báo giá nông sản trong tương lai sẽ biến động mạnh trong những tháng tới.

Tại Argentina, chính phủ nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng, gây nguy cơ mất khả năng hỗ trợ cho đồng peso. Nếu đồng peso giảm mạnh có thể gây ra siêu lạm phát.

Việc sản lượng thu hoạch dự kiến thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của nông dân do tình trạng khô hạn, cộng gộp với ảnh hưởng từ các vấn đề tài chính của chính phủ, hầu hết các trang trại tại Argentina đều đang tìm cách giảm lượng ngũ cốc bán ra, để tăng dự trữ.

Trong khi đó, tại khu Trung Tây của Mỹ, một loạt cơn bão dự kiến sẽ hoành hành cho đến hết ngày 21/5,gây ảnh hưởng tới các vùng trồng trọt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, giá cà phê thế giới biến động trái chiều trong phiên chốt tuần này (6-13/5). Giá cà phê robusta tiếp tục xu hướng tăng tốt, trong khi arabica có phiên điều chỉnh giảm nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/5, giá cà phê robusta trên sàn ICE Europe - London quay đầu tăng. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng 39 USD, giao dịch ở mức 2.432 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 9 tăng 37 USD, giao dịch ở mức 2.409 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE US - New York tiếp tục giảm. Kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm nhẹ 0,15 xu, giao dịch tại 182,85 xu/lb. Trong khi đó, kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm 0,2 xu, còn 180,65 xu/lb (1lb = 0,45 kg). Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Cà phê robusta chịu áp lực giảm mạnh sau một thời gian dài nằm trong vùng quá mua. Tồn kho đạt chuẩn sàn ICE Europe - London ghi nhận tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng cũng góp phần gây áp lực giảm lên giá cà phê robusta. Tuy nhiên, thông tin về các nguồn cung thiếu hụt đã phần nào kìm hãm đà giảm của mặt hàng này.

Giá cà phê arabica cũng bị điều chỉnh giảm do thông tin các vùng trồng chính ở Brazil khô hạn, góp phần thúc đẩy tốc độ thu hoạch vụ mùa mới hiện đã bắt đầu. Tồn kho đạt chuẩn sàn ICE US - NewYork ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 649,830 bao. Thông tin trên đã góp phần kìm hãm đà giảm giá của cà phê arabica.

Các chuyên gia đánh giá số lượng việc làm được cải thiện, cùng với giá sản xuất tiếp tục tăng, cho thấy áp lực lạm phát của Mỹ đang giảm bớt. Nhưng tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo không có nhiều khả quan trong năm nay. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại phiên họp điều hành đầu tháng 5/2023 góp phần gia tăng gánh nặng cho việc đầu cơ hàng hóa, tác động tiêu cực lên giá cà phê.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE