Thị trường xuất khẩu lao động mở lại nhưng người Việt chưa sẵn sàng

Theo đại diện một trung tâm xuất khẩu lao động nhận định, mục tiêu 90.000 lao động Việt Nam đi xuất khẩu trong năm 2022 vẫn là hơi quá sức trong thời điểm hiện nay.
Dự báo phải hết năm 2022 sang tới năm 2023 thị trường xuất khẩu lao động nước ta mới hoàn toàn trở lại guồng quay (Ảnh minh họa)
Dự báo phải hết năm 2022 sang tới năm 2023 thị trường xuất khẩu lao động nước ta mới hoàn toàn trở lại guồng quay (Ảnh minh họa)

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, những năm qua, do dịch bệnh COVID-19, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc.

Đến nay, các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có sự thay đổi để thích ứng với việc phục hồi, phát triển kinh tế. Một trong những chính sách đó là mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Cụ thể, thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021, Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS), Đài Loan mở lại từ ngày 15/2/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021), Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021) và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua. Mục tiêu được đề ra cho năm 2022 là 90.000 lao động Việt Nam đi xuất khẩu.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 7 tháng năm 2022, các đơn vị đã đưa 56.863 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 63,2% mục tiêu kế hoạch năm, trong đó có 21.238 lao động nữ.

Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất trong 7 tháng qua (chiếm đến 93% tổng số lao động đi làm việc tại nước ngoài).

Mặc dù con số thống kê đã cho thấy sự tích cực, nhưng theo đại diện một trung tâm xuất khẩu lao động tại Hà Nội cho biết công tác xuất khẩu lao động trong thời điểm hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nếu không nói là người lao động ở các địa phương tỏ ra ít mặn mà.

Vị lãnh đạo này cho biết, các thị trường nước ngoài hiện nay liên tiếp có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt sang làm việc, tuy nhiên các doanh nghiệp đang trong tình trạng "đỏ mắt" tìm lao động đi xuất khẩu.

Theo vị này chia sẻ, sau khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, một làn sóng người lao động ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam, sau khi về nước họ nhận thấy thị trường trong nước vẫn đang là an toàn, cho nên họ vẫn nghe ngóng và chưa quyết định sẽ tiếp tục quay lại nước ngoài.

Thứ hai, sau COVID-19 nền kinh tế bị ảnh hưởng tương đối nặng nề cho nên số lượng người thiếu kinh phí và có tâm lý dè dặt lớn, kéo theo nhu cầu đi nước ngoài của lao động còn ít, dẫn đến các trung tâm đang thiếu nguồn cung ứng.

Đồng tiền của một số nước xuống giá cũng là một trong những yếu tố tác động tới tâm lý người đi xuất khẩu lao động.

Theo vị này, phải hết năm 2022 sang tới năm 2023 thị trường xuất khẩu lao động nước ta mới hoàn toàn trở lại guồng quay.

Về con số mục tiêu 90.000 lao động Việt Nam đi xuất khẩu trong năm nay theo vị lãnh đạo này nhận định là hơi quá sức, đặc biệt những tháng cuối năm thị trường xuất khẩu lao động càng ít hơn vì người dân hay có tâm lý sau Tết mới đi.

"Xuất khẩu lao động vẫn là nhu cầu thiết yếu của người Việt Nam, vì công việc trong nước còn ít, thu nhập còn thấp, lực lượng lao động phổ thông, lao động trẻ tại các tỉnh thành còn dư thừa rất nhiều. Nếu các nước cũng có nhiều chính sách nới lỏng hơn trong tương lai thì sắp tới thị trường xuất khẩu lao động sẽ hồi phục", vị lãnh đạo này nhận định.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE