Thủ tướng: "Tiền để đấy không tiêu được là rất sốt ruột"

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vừa qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay.
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng "tiền để đấy không tiêu được" là "rất xót ruột và sốt ruột" - Ảnh VGP
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng "tiền để đấy không tiêu được" là "rất xót ruột và sốt ruột" - Ảnh VGP

Chiều ngày 3/8, tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Ba nhóm khó khăn, vướng mắc

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 nghị quyết (trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 3 công điện, 7 văn bản; tổ chức 1 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải coi giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.

Tuy nhiên, theo các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/7/2022 là 186.848 tỷ đồng, mới đạt đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về khó khăn, vướng mắc với giải ngân đầu tư công, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ nhận diện có khoảng 21 tồn tại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 3 nhóm chính.

Trước tiên, về nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên-môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công.

Tiếp theo, liên quan đến đến tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Cuối cùng là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường cần từ 6-8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng. Một số nơi chưa cập nhật kịp thời sát giá thị trường, chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói nên khó khăn khi xảy ra biến động giá thì nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP

Từ những khó khăn trên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan nghiên cứu sửa tổng thể các luật có liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công; Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu các vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai.

Bộ Xây dựng nghiên cứu, đơn giản hóa và phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, B trên địa bàn, dự án thực hiện trên địa bàn 2 địa phương trở lên.

Thứ hai, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu.

Sẽ ban hành nghị quyết thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh hơn

Đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng "tiền để đấy không tiêu được là rất xót ruột và sốt ruột".

Thủ tướng nêu rõ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm khó, năm 2022, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công càng lớn khi lượng vốn đầu tư công (542 nghìn tỷ đồng) gấp hơn 2,5 lần năm 2016 (204 nghìn tỷ đồng) và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, do ngoài vốn đầu tư trung hạn còn có nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển.

"Song càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ, dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hơn, có biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình và yêu cầu công việc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đề cao hơn nữa trách nhiệm bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch ubnd các tỉnh, thành phố.

Các bộ ngành, địa phương tự rà soát lại các thủ tục, công việc cần triển khai để chỉ đạo thực hiện đúng quy định, tránh tiêu cực, tham nhũng; rà soát các quy định thuộc phạm vi quản lý, nếu thuộc thẩm quyền thì sửa ngay, nếu thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất Chính phủ và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh vốn giữa các bộ ngành, địa phương; các bộ ngành, địa phương tự điều chỉnh vốn trong nội bộ. Các bộ ngành, địa phương chưa làm tốt thì phải khiêm tốn, cầu thị, học hỏi, tham khảo các mô hình, cách làm của những nơi làm tốt như thành lập các tổ công tác, đôn đốc, giao ban hằng tháng.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nội dung này, tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới.

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE