"Thực hiện báo cáo phát triển bền vững đang là thách thức đối với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam"

"Thực hiện báo cáo phát triển bền vững đang là thách thức đối với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam"

Dù mức độ thách thức, mối quan ngại với từng doanh nghiệp ở mỗi ngành là khác nhau, song các doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng chiến lược, quan tâm đến yếu tố ESG để có thể thu hút nguồn lực đầu tư dài hạn...

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia thống nhất và đề cập tại Hội thảo “Tư duy lãnh đạo và thực thi quản trị hiệu quả về biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững” do Deloitte Việt Nam phối hợp cùng UBCK Nhà nước (SSC), Sở GDCK TP.HCM (HoSE) và một số đối tác là Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD), Dragon Capital... tổ chức ngày 14/9.

Tại hội thảo, các diễn giả, khách mời đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến cách tiếp cận, thực thi các thông lệ tốt trên thế giới về quản trị biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; làm thế nào để xây dựng chiến lược, quan tâm đến yếu tố ESG trong quá trình phát triển của doanh nghiệp để có thể thu hút nguồn lực đầu tư dài hạn...

ESG - Dù đã được đưa vào chiến lược quốc gia nhưng vẫn còn "mới mẻ"

Phát triển bền vững, bao gồm các mối quan tâm về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ được biết đến, để ý và quan tâm nhiều hơn trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam những năm gần đây.

Một số báo cáo liên quan của Deloitte gần đây cho thấy, thế giới đang thực sự "thức tỉnh" khi biết rằng cần phải hành động nhanh và mạnh mẽ hơn nữa nhằm giải quyết những thách thức đang phải đối mặt về môi trường, xã hội, biến đối khí hậu... trước khi quá muộn.

Trong đó, trách nhiệm này thuộc về tất cả mọi người, từ chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đến từng cá nhân. Tại doanh nghiệp, HĐQT, trong đó người đứng đầu đóng vai trò chính để thúc đẩy hành động này tại mỗi tổ chức.

ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Khi doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.

Đơn cử, báo cáo Phát triển bền vững CxO 2022 công bố mới đây của Deloitte cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao trên toàn cầu ngày càng quan ngại đến tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, họ cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc lồng ghép yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh, hoạt động điều hành và văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp.

Ở quy mô quốc gia, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, năm 2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Cụ thể, mục tiêu tổng quát của chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Cùng với việc hướng tới phát thải ròng bằng “0” đã được Chính phủ cam kết, hệ thống quy định pháp luật trong thời gian tới sẽ tiếp tục được kiện toàn. Với doanh nghiệp, đây cũng chính là con đường tất yếu và là một cơ hội trên hành trình phát triển một cách bền vững.

Các cam kết của Chính phủ tại COP26.

Các cam kết của Chính phủ tại COP26.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam, tại quốc gia mà phát triển bền vững vẫn chưa đi sâu vào thực tiễn như Việt Nam, HĐQT cần thay đổi tư duy một cách đồng nhất với cam kết để có thể quản trị công ty một cách hiệu quả; từ đó thúc đẩy mục tiêu này trở thành ưu tiên dài hạn ở cấp độ toàn doanh nghiệp và đảm bảo một tương lai bền vững.

"Với một thị trường mới nổi như thị trường chứng khoán Việt Nam, việc áp dụng và cải thiện quản trị công ty yêu cầu một lộ trình thay đổi đầy đủ mà HĐQT giữ vai trò chủ động tiếp cận với xu thế toàn cầu, tích hợp nội dung vào chương trình nghị sự và cần chủ động hành động”, bà Hà Thu Thanh nêu góc nhìn tại sự kiện.

Tuy nhiên, bà Thanh cũng cho rằng quản trị công ty "là lựa chọn chứ không phải bắt buộc" - nên doanh nghiệp một khi đã tham gia cần phải vượt qua mức yêu cầu thấp nhất là tuân thủ pháp luật để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty.

Đồng thời, người đứng đầu Deloitte Việt Nam cũng lưu ý, thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp niêm yết hiện nay vẫn là khả năng thực hiện báo cáo phát triển bền vững khi tăng cường thêm các tiêu chí về môi trường.

Trong đó, có phần nguyên nhân quan trọng là do báo cáo chưa có được bộ tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất quy định. Điều này sẽ khiến một số doanh nghiệp tìm cách đối phó, chỉ đưa ra thông tin giới hạn ít ảnh hưởng đến danh tiếng doanh nghiệp của mình...

Các diễn giả tại Hội thảo “Tư duy lãnh đạo và thực thi quản trị hiệu quả về biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững”.

Các diễn giả tại Hội thảo “Tư duy lãnh đạo và thực thi quản trị hiệu quả về biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững”.

Hút thêm vốn ngoại khi chú trọng ESG

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế của SSC cho biết, hiện nay, SSC đang xây dựng dự thảo kế hoạch hành động triển khai các nội dung liên quan trong Quyết định 1658 nói trên.

Theo ông Dũng, vấn đề phát triển bền vững đã và đang trở thành chiến lược được nhiều doanh nghiệp trên thị trường quốc tế lựa chọn. Trong đó, đề cao chính sách quản lý rủi ro về môi trường và xã hội cũng như công bố thông tin về cách thức doanh nghiệp quản lý các vấn đề này.

Tuy nhiên đây lại là một vấn đề tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam. Dẫn kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, ông Dũng nhận định, sự tham gia của UBCK Nhà nước và các Sở GDCK Nhà nước sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các vấn đề phát triển bền vững nói riêng và định hướng phát triển bền vững nói chung của các doanh nghiệp. Cụ thể là thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như xây dựng các tiêu chí niêm yết, yêu cầu công bố thông tin liên quan...

Nguồn: Báo cáo Phát triển bền vững - Nâng cao chất lượng công bố thông tin của Deloitte Việt Nam tháng 9/2022.

Nguồn: Báo cáo Phát triển bền vững - Nâng cao chất lượng công bố thông tin của Deloitte Việt Nam tháng 9/2022.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên đã đưa quy định về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Ông Vũ Chí Dũng đánh giá, các quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, các định hướng phát triển của các tổ chức tín dụng, trong các nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu do chính phủ và chính quyền địa phương đã tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ để hình thành, phát triển và phát huy vai trò điều tiết của Nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này.

Theo ông Dũng, hành lang trên sẽ góp phần tích cực trong việc huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết khí hậu.

Tinh thần này được thể hiện nhất quán khi ngay cả Thủ tướng Chính phủ cũng đang rất khẩn trương và quyết liệt trong việc xây dựng lộ trình cho quốc gia nhằm đạt tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” như cam kết đã tuyên bố tại COP 26 gần đây.

Theo báo cáo của Deloitte Việt Nam tháng 9/2022.

Theo báo cáo của Deloitte Việt Nam tháng 9/2022.

Chung góc nhìn, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HoSE cho biết, theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức đều phải tuân thủ các cam kết, chuẩn mực về việc các khoản đầu tư phải đầu tư vào những công ty đảm bảo yêu cầu về ESG.

Bà Trần Anh Đào dẫn lại bài học thực tế tại Trung Quốc thời gian qua, đã có rất nhiều quỹ đầu tư rút vốn do các vấn đề về môi trường và xã hội không đảm bảo. Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng đạt các yêu cầu về ESG thì mới có cơ hội nhận được nguồn vốn đầu tư ngoại, bà Đào lưu ý.

Đồng thời, đại diện HoSE nêu thực trạng hiện việc công bố thông tin về ESG của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam hiện vẫn chưa được chú trọng. Điều này vô tình khiến các nhà đầu tư khó có thể tiếp cận được thông tin liên quan để ra quyết định đầu tư.

Trong khi đó, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp của Dragon Capital cho biết, các doanh nghiệp mà Quỹ này đang rót vốn hiện nay đều có chứa yếu tố ESG và phát triển bền vững.

"Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để Quỹ quyết định rót tiền hay không và cũng là tiêu chí được nhiều nhà đầu tư ngoại đặt lên hàng đầu", ông Vinh khẳng định.

Vì vậy, theo đại diện từ Dragon Capital, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược, quan tâm đến yếu tố ESG trong quá trình phát triển để có thể thu hút nguồn lực đầu tư dài hạn trong thời gian tới. Trong đó, với mỗi doanh nghiệp, HĐQT sẽ đóng vai trò dẫn dắt, là nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy quá trình này.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE