Thương mại Việt Nam với các nước Á – Âu còn dư địa tăng trưởng lớn

Dù vậy, thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Á – Âu thời gian qua đối mặt với quá nhiều thách thức từ việc căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, chuỗi cung ứng toàn cầu trục trặc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 02/12, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn thương mại với các đối tác khu vực Á – Âu năm 2022. Diễn đàn được tổ chức thường niên nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông tin cập nhật về tình hình thị trường, chính sách ngoại thương, các cơ hội giao thương và đầu tư tại khu vực Á-Âu (Eurasia), từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư, cũng như tận dùng các lợi thế sẵn có của khu vực Á-Âu để đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết khu vực Eurasia gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 410 triệu người, tổng GDP gần 3.337 tỷ USD, là thị trường truyền thống và đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Về thương mại, năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Eurasia đạt hơn 14,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 9,9 tỷ USD tăng 11,7%, nhập khẩu đạt 4,8 tỷ USD tăng 32,2%.

Riêng trong năm 2022, do những bất ổn địa chính trị trong khu vực, kéo theo đó là khủng hoảng năng lượng, lương thực và lạm phát tăng cao ở các nước Eurasia đã tác động tiêu cực đến thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á – Âu. Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 11,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 7,3 tỷ USD, giảm 8,3%, nhập khẩu đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 0,3%.

Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến hết tháng 10 năm 2022, các quốc gia khu vực Á - Âu hiện có khoảng 339 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD, tương đương với 0,4% trong tổng vốn đăng ký từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại nước ta. Việt Nam đã đầu tư 24 dự án sang khu vực Á - Âu với tổng vốn đăng ký 1,65 tỷ USD, trong đó chủ yếu là tại Liên bang Nga, tương đương với 8% trong tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Theo ông Linh, các con số thống kê hiện nay vẫn chưa phản án hết tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Á - Âu do khu vực này còn rất nhiều dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và đầu tư tại đây do giữa Việt Nam và Eurasia đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm hai Hiệp định tự do thương mại: VN-EAEU FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu (Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) và EVFTA với Liên minh châu Âu; Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); 14 Ủy ban Hỗn hợp/ Ủy ban liên Chính phủ và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương.

Thương mại Việt Nam với các nước Á – Âu còn dư địa tăng trưởng rất lớn
Diễn đàn thương mại với các đối tác khu vực Á – Âu năm 2022

Còn theo ông Dương Hoàng Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, sau 6 năm thực hiện hiệp định thương mại tự do với liên minh Eurasia, thuế nhập khẩu của phần lớn các mặt hàng xuất khẩu hai bên đã giảm xuống mức 0% hoặc ở mức rất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và EU tăng cường hợp tác thương mại.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đàm phát ký kết và triển khai 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định thương mại tự do với EU. Với hiệp định này, doanh nghiệp Việt Nam cũng như EU có nhiều điều kiện để tăng cường đầu tư vào thị trường của nhau, qua đó thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác, đặc biệt với doanh nghiệp EU thì có thể đầu tư tại Việt Nam và từ đó xuất khẩu vào các thị trường thuộc khối EU và như vậy làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Năm nay căng thẳng Nga - Ukraine đã leo thang từ tháng 2/2022, sau đó doanh nghiệp của Mỹ và các nước đồng minh rút khỏi Nga và như vậy tạo ra khoảng trống rất lớn trên thị trường Nga, nước lớn nhất của liên minh, đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường, đặc biệt với các sản phẩm may mặc, giày dép, nông sản chế biến, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Cũng theo ông Minh, hiện nay Nga đang đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề của Mỹ và các nước đồng minh, hợp tác thương mại giữa hai bên đương đầu với nhiều thách thức, kim ngạch thương mại hai bên khó có thể tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Việt Nam – Nga có lúc đã giảm 33%, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam giảm đến 49,5%.

Khoảng cách địa lý giữa hai bên tương đối xa, các nước thuộc liên minh hầu hết nằm ở trong lục địa, các tuyến đường vận tải từ Việt Nam sang liên minh rồi sang Nga không thông suốt tác động nhiều đến hoạt động vận tải hàng hóa của liên minh; công suất tuyến vận tải đường sắt quốc tế qua Trung Quốc – Mông Cổ và các nước EU, qua Nga và một số nước Trung Á còn thấp, phụ thuộc vào nước thứ 3 nên hiệu quả chưa cao; các tuyến vận tải trực tiếp Việt Nam vào Nga chưa được nối lại cũng ảnh hưởng đến giao thương.

Ngoài ra, ông Minh cũng chỉ ra còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động thương mại Việt Nam và liên minh Á - Âu bao gồm các tiêu chuẩn thực phẩm với hàng hóa nông nghiệp, nhiều biện pháp phòng vệ thương mại của EU với các sản phẩm điện may của Việt Nam; thứ hai, các doanh nghiệp hai bên chưa năng động trong việc tìm hiểu thị trường và khách hàng.

Ông Minh phân tích, kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, các doanh nghiệp Nga đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Trong các hội chợ triển lãm lớn tại Việt Nam trong năm nay, các doanh nghiệp Nga tham gia rất đông, tổ chức nhiều đoàn sang khảo sát thị trường tìm kiếm khách hàng tại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam. Hiện nay các nước EU xuất khẩu nhiều các sản phẩm nguyên liệu để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong sản xuất công nghiệp của liên minh. Về triển vọng, hiện nay nhiều mặt hàng của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu của liên minh như chè, cà phê, hàng dệt may, giày dép, thiết bị điện tử; tuy nhiên vấn đề là ở chỗ hàng Việt Nam xuất khẩu sang liên minh chủ yếu vẫn thô, sơ chế không thương hiệu.

Ông Minh dự báo căng thẳng Nga – Ukraine còn kéo dài, các biện pháp trừng phạt sẽ chưa sớm được gỡ bỏ, chính vì vậy thương mại Việt Nam và liên minh Á - Âu sẽ tăng trưởng chậm hoặc khó tăng trưởng. Dù vậy, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, dệt may, da giày, máy vi tính, điện thoại linh kiện, đồ gỗ gia dụng nhiều khả năng vẫn tăng trưởng khá. Trong 10 tháng đầu năm 2022, dù xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trên giảm nhưng xuất khẩu thủy sản và nhiều mặt hàng nông sản khác tăng, hàng dệt may trong tháng 10 đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Minh đưa ra một số khuyến nghị để giúp thương mại Việt Nam và liên minh Âu - Á phát triển tốt hơn, cơ quan chức năng của hai bên cần đưa ra giải pháp để giải quyết những khó khăn về vận tải, logistics, thanh toán và đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của tư nhân, ví dụ như việc nối lại đường bay trực tiếp với Liên bang Nga, cho phép người lao động Việt Nam nhập cảnh vào Nga. Về việc này, Nga đã nối lại đường bay trực tiếp với nhiều nước. Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải của Nga, hiện nay có 15 hãng bay của Nga đã bay trực tiếp vào 22 quốc gia, gần đây nhất, Nga đã nối lại đường bay trực tiếp với Thái Lan và Lào.

Đồng thời, cần sớm tiến hành đàm phán sửa đổi hiệp định tự do thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại song phương. Từ khi đại dịch COVID-19 căng thẳng cho đến nay, hầu như không có đoàn xúc tiến thương mại nào từ Việt Nam sang Nga cũng như sang các nước EU, chính vì vậy cần sớm nối lại các hoạt động này; nhà nước có cơ chế hỗ trợ khuyến khích hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để tổ chức các đoàn hướng dẫn thương mại...

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE