Tín dụng doanh nghiệp Mỹ “đóng băng” trong khủng hoảng ngân hàng

Các đợt nâng lãi suất của Fed khiến cho các doanh nghiệp vốn đã gặp khó trong việc vay vốn thì giờ đây còn đương đầu với nhiều thách thức hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Doanh nghiệp Mỹ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh các thị trường vốn đã “đóng băng” kể từ vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank 2 tuần trước đây, theo phân tích được Wall Street Journal công bố mới đây.

Theo phân tích của PitchBook LCD, không doanh nghiệp nào có xếp hạng tín nhiệm thuộc diện đầu tư bán trái phiếu mới trong vòng 6 ngày làm việc từ ngày 10/3 đến ngày 17/3/2023. Thị trường trái phiếu đầu cơ không có bất kỳ thay đổi nào trong tháng 3/2023. Trên sàn chứng khoán Mỹ, đã hơn 2 tuần trôi qua không có doanh nghiệp nào công bố chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tháng 3 thông thường là tháng sôi động của hoạt động huy động tài chính doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cố gắng đảm bảo nguồn lực tài chính trước khoảng thời gian tạm ngưng giữa thời điểm cuối quý 1 và trước mùa công bố kết quả kinh doanh, trong lúc này họ phải hạn chế phát hành trái phiếu. Gần đây, việc nhà đầu tư mất niềm tin cũng như diễn biến trên thị trường trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ không khỏi khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy sợ hãi.

Nhóm các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm ở ngưỡng cao nhất đã bán ra 59,9 tỷ USD trái phiếu mới trong tháng này so với ngưỡng trung bình của tháng 3 suốt 5 năm qua là 179 tỷ USD. Nhóm các doanh nghiệp có độ rủi ro cao hơn chấp nhận vay tiền với lãi suất cao hơn đang cảm thấy khó khăn trong việc phát hành nợ mới. Doanh nghiệp chỉ huy động được 5 tỷ USD trái phiếu đầu cơ trong tháng này, mức trung bình của 5 năm gần nhất là 24 tỷ USD.

Dù rằng thị trường chào bán trái phiếu diện đầu tư đã có những sự hồi phục trong vài ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, bảo hiểm và một số loại hình khác nộp hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu, tuy nhiên khi mà nhóm doanh nghiệp lớn hoàn toàn không có động thái gì, có thể dự báo sẽ có thêm những khó khăn trong thời gian tới.

Hàng loạt doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp nhỏ cho đến các doanh nghiệp đa quốc gia, sẽ gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng trong trường hợp có những cú sốc bất thường trong hệ thống ngân hàng toàn cầu, các chuyên gia phân tích nhận định.

“Nhìn chung, điều kiện tài chính sẽ thắt chặt hơn nữa, có thể thông qua kênh ngân hàng trung ương khi cơ quan này phải cố gắng kiềm chế lạm phát nhưng cũng có thể theo cách như cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua gây xáo trộn hệ thống”, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại quỹ Principal Asset Management – bà Seema Shah phân tích.

Vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vào ngày 10/3/2023 gây xáo trộn các thị trường vốn, làm giảm sự quan tâm của các quỹ tài sản cũng như quỹ hưu trí thường mua trái phiếu của doanh nghiệp. Căng thẳng dâng cao trên thị trường trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ làm xáo trộn các kế hoạch vay tiền. Thanh khoản trên thị trường vốn giảm nhanh chóng, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ có diễn biến trong ngày mạnh nhất suốt nhiều năm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang theo dõi chặt chẽ các điều kiện tín dụng và thông báo thêm đợt điều chỉnh lãi suất ¼ điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Tư khẳng định rằng nếu các đợt căng thẳng gần đây trong ngành ngân hàng khiến cho tín dụng trở nên khó khăn hơn, kinh tế chững lại, Fed sẽ không cần phải siết chặt chính sách tiền tệ quá mức.

Trong cuộc họp báo tuyên bố chính sách, ông Powell nhấn mạnh: “Hoàn toàn có thể căng thẳng trong ngành ngân hàng sẽ khiến cho điều kiện tín dụng bị thắt chặt và về nguyên tắc chính sách tiền tệ sẽ không phải điều chỉnh quá nhiều”.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE