Tình cảnh trớ trêu của ngành du lịch Nhật Bản

Số lượng lớn du khách đã quay trở lại Nhật Bản sau khi nước này dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh, nhưng ngành du lịch ở xứ hoa anh đào lại lâm vào cảnh thiếu người lao động.
Tình cảnh trớ trêu của ngành du lịch Nhật Bản

Các sân bay và khách sạn của Nhật Bản đang phải chật vật phục vụ lượng lớn du khách khi biên giới đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, số lượng nhân viên trong ngành này không thể tăng kịp trở lại cùng với sự gia tăng của khách hàng, theo Nikkei Asia.

Ngay từ trước khi Nhật Bản lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, ngành du lịch ở đây cũng đã gặp khó khăn trong việc đảm bảo có đủ số lượng lao động.

Những người trong ngành hy vọng vào sự phục hồi sau đại dịch, nhưng họ khẳng định đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, NHK đưa tin hồi tháng 9.

Chủ một lữ quán truyền thống của Nhật Bản cho biết bà đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ khách du lịch ngoài Nhật Bản. Tuy nhiên, bà khẳng định rất khó để thuê nhân viên vì ngành công nghiệp này phải đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng trong đại dịch.

Thiếu lao động trầm trọng

All Nippon Airways đã mất 20% nhân viên mặt đất tại sân bay Haneda (Tokyo) do nhiều lao động đã dời đi và công tác tuyển dụng bị chững lại. Hiện tại, vào những ngày bận rộn nhất, hãng hàng không này phải triển khai khoảng 100 tiếp viên hỗ trợ dịch vụ mặt đất.

Nhiều sân bay tại nước này cũng thiếu nhân viên mặt đất chịu trách nhiệm hành lý và các nhiệm vụ tương tự liên quan đến việc máy bay cất, hạ cánh.

Haneda và sân bay Quốc tế Narita gần Tokyo đều đã nhận được sự trợ giúp của nhân viên từ các sân bay khác. Sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề cũng đã nhanh chóng nhận được các lời mời làm việc.

Liên đoàn Công nghiệp Hàng không Nhật Bản ghi nhận có 45.310 nhân viên trong ngành vào tháng 10, giảm 2.000 người so với năm 2021.

Ngành du lịch cũng ghi nhận sự suy giảm tương tự. Dữ liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và giải trí đã thu hút 4,06 triệu lao động trên toàn quốc trong tháng 8, giảm 10% so với tháng 8 năm 2019.

Nhật Bản đã dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh hồi tháng 10. Ảnh: Reuters.

Ngành công nghiệp khách sạn chịu tổn thất nặng nề nhất, với tổng số nhân viên giảm 20% xuống còn 510.000 người. Điều đó đã buộc các nhà quản lý khách sạn phải đưa ra những quyết định khó khăn.

Takehiro Shiraishi, Chủ tịch khu nghỉ dưỡng Vịnh Kanucha ở Okinawa, cho biết: “Chúng tôi không có đủ nhân lực để đưa vào sử dụng toàn bộ 300 phòng hiện nay”. Theo ông, họ chỉ có thể xoay sở để cho thuê khoảng 80% số phòng sẵn có.

Nguồn tin khác làm việc tại một khách sạn ở Tokyo cũng lên tiếng về vấn đề tương tự. "Chúng tôi đang thiếu nhân viên, đặc biệt là nhân viên dọn dẹp”, vị này cho biết.

Đối với nhân viên khách sạn bán thời gian ở các khu vực đô thị lớn của Nhật Bản, mức lương trung bình theo giờ trong tháng 9 đã tăng 5,1% so với một năm trước đó, lên 1.126 yên (7,61 USD), công ty nhân sự Recruit báo cáo.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy nhiều công ty lớn của Nhật đang tăng lương để thu hút lao động và đối phó với tình trạng thiếu nhân viên dai dẳng.

“Ngay cả khi tăng lương 30%, chúng tôi cũng không thể thuê được người”, quản lý một khách sạn ở Nikko, một thị trấn du lịch phía bắc Tokyo, cho biết.

Khách sạn này đã sa thải nhiều nhân viên trong đại dịch và hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi công việc kinh doanh khởi sắc.

Trong khi đó, Okinawa cũng trải qua tình trạng thiếu xe hơi cho thuê vào mùa hè này, và nhiều nơi khác ở nước này cũng lo ngại vấn đề tương tự.

Theo báo cáo của hiệp hội cho thuê xe ở Nhật Bản trong tháng 3, đội xe chở khách cho thuê của Okinawa đã giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019.

Orix Auto, công ty vận hành Orix Rent-A-Car, đang bổ sung thêm vào đội xe của mình để đáp ứng nhu cầu cao hơn. Tuy nhiên, việc giao ôtô đã bị trì hoãn do tình trạng thiếu chất bán dẫn.

“Công tác lên kế hoạch đã trở nên khó khăn”, một người quản lý Orix Auto cho biết.

Nhật Bản vẫn thiếu lao động trầm trọng sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

"Nhật Bản có khả năng không đáp ứng được"

Ngành công nghiệp cho thuê xe buýt cũng phải đối mặt với những vấn đề đau đầu.

Mặc dù khoảng thời gian tháng 10-12 là mùa cao điểm nhà trường tổ chức các chuyến đi dã ngoại cho học sinh đến Okinawa, tỉnh này vẫn thiếu 140 tài xế và 120 hướng dẫn viên, theo một cuộc khảo sát vào tháng 7 của các công ty thuộc Hiệp hội Xe buýt Okinawa.

Công ty xe buýt du lịch Hokubu Kanko đã được đặt kín lịch cho đến giữa tháng 12. "Tình trạng thiếu hướng dẫn viên đặc biệt nghiêm trọng", một đại diện của công ty cho biết.

Số lượng khách du lịch nước ngoài đã tăng lên kể từ khi Nhật Bản nới lỏng các hạn chế biên giới liên quan đến Covid-19 vào tháng 10.

Palace Hotel Tokyo có tỷ lệ hoạt động trong tháng đó là 70%, gần đạt mức trước đại dịch. Khách sạn Okura Tokyo dự báo công suất phòng trong tháng 11 và tháng 12 sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu hơn dự kiến từ khắp nơi trên thế giới”, Hiroyuki Takahashi, Chủ tịch Hiệp hội các đại lý du lịch Nhật Bản, cho biết.

Ông cho biết điều đó một phần do việc đồng yên yếu đi, đồng thời dự đoán việc phục hồi đến mức trước đại dịch sẽ xảy ra sớm hơn.

“Nếu các hãng hàng không nước ngoài mở rộng dịch vụ của họ lên mức trước đại dịch, Nhật Bản có thể không đáp ứng được”, một giám đốc điều hành của một hãng hàng không nước này cho biết.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Chat với BizLIVE