TP.HCM muốn kéo dài cơ chế đặc thù, thí điểm chính sách vượt trội

Vừa kiến nghị được tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, TP.HCM vừa mong được thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm là một trong những nội dung dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 khai mạc ngày 20/10 tới đây.

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo gửi Quốc hội, về nội dung trên.

NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, Quốc hội cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực, như: Quản lý đất đai; Quản lý đầu tư; Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN); Cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Kết quả, về quản lý đất đai, HĐND Thành phố đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa, với tổng diện tích 1.843,79ha.

Theo đánh giá của Thành phố cơ chế này là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cần được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Về quản lý đầu tư, HĐND Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, với tổng mức vốn 12.954,3 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 01 dự án từ nhóm B lên nhóm A với tổng mức đầu tư tăng từ 1.402,8 tỷ đồng lên thành 4.849,3 tỷ đồng.

Cơ chế này đã giúp rút ngắn thời gian trình các dự án đầu tư công thuộc nhóm A, chủ động, linh hoạt được nguồn vốn để bố trí cho các dự án đầu tư công, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giúp sử dụng, Bộ trưởng dẫn đánh giá của thành phố.

Về quản lý, tài chính, ngân sách, sau 5 năm thực hiện các nội dung về trao thêm thẩm quyền quyết định tăng các khoản thuế, phí và lệ phí theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố mới điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (tổng số thu tăng thêm cho ngân sách Thành phố khoảng 132,6 tỷ đồng). Tuy nhiên, Thành phố vẫn kiến nghị tiếp tục được cho thí điểm nội dung này trong thời gian tới với mục tiêu để tăng nguồn lực cho ngân sách Thành phố và định hướng tiêu dùng của người dân.

Về huy động từ nguồn vay trong nước và vay từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài cho Thành phố vay lại, theo báo cáo trong giai đoạn 2018-2021, Thành phố đã phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (các kỳ hạn 20 năm, 30 năm) và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài là 11.387,4 tỷ đồng. Mức dư nợ đến ngày 31/12/2021 là 24.161,6 tỷ đồng, bằng 31,9% mức dư nợ cho phép.

Để đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình dự án thuộc kế hoạch đầu tư công, bảo đảm cho Thành phố có dư địa được vay và phù hợp với định hướng thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, Thành phố kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù này.

Về cơ chế hưởng số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng thông tin, theo quy định đến hết năm 20209, Thành phố phải thực hiện cổ phần hóa đối với 38 doanh nghiệp. Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến phương án sử dụng đất của doanh nghiệp nên đến nay Thành phố đã phải tạm dừng triển khai.

Với nguồn thu hồi vốn, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu: số dư của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp của các tổng công ty do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu đã nộp ngân sách thành phố là 1.786,6 tỷ đồng (năm 2018 là 1.674 tỷ đồng và năm 2019 là 112,6 tỷ đồng).

Đến nay, Nghị định số 148/2021/NĐ-CP về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, đã quy định khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương nộp vào ngân sách Trung ương; khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương nộp vào ngân sách địa phương. Như vậy, cơ chế này đã được áp dụng chung cho tất cả các địa phương trong cả nước.

Về chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định năm 2018, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần; năm 2019, là 1,2 lần; năm 2020, là 1,8 lần.

Trong các năm 2019, 2020 và 2021, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, Thành phố có điều chỉnh tăng giảm hệ số chi thu nhập tăng thêm.

Tổng số kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của Thành phố năm 2018 là 2.816 tỷ đồng; năm 2019 là 7.637 tỷ đồng; năm 2020 là 4.265 tỷ đồng; năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Thành phố kiến nghị tiếp tục cho phép áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công với khu vực tư nhân. Thành phố sẽ bổ sung một số giải pháp đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm, đảm bảo việc thực hiện khách quan, công khai, minh bạch, Bộ trưởng cho biết.

Chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt cũng là cơ chế đặc thù cho thành phố, song đến nay, mới thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt.

“Tuy mới đạt được kết quả bước đầu, nhưng Thành phố cho rằng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm. Do vậy, Thành phố kiến nghị tiếp tục duy trì trong thời gian tới”, Bộ trưởng Phớc cho hay.

KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH VƯỢT TRỘI

Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng trong bối cảnh việc tuân thủ thể chế chung áp dụng cho các địa phương đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố, Nghị quyết số 54/2017/QH14 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP.HCM.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế TP.HCM liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016- 2019đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.

Sau khi kinh tế TP.HCM tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý 1 đạt 1,87%, quý 2 đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011- 2015).

Tuy nhiên, hạn chế là nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn…

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chính phủ cũng kiến nghị cho TP.HCM đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, báo cáo Bộ Chính trị cho phép Thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE