"Trái phiếu đang không được phát triển với tâm thế là 'máu' của nền kinh tế thị trường"

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường, thậm chí có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành...
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

Thực tế trên được TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nêu ra tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” do BizLIVE tổ chức sáng 13/9.

Lòng tin quyết định sự phát triển của thị trường

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, thống kê tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, trong khi tổng số vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng khoảng 5 triệu tỷ đồng. Như vậy, dư nợ TPDN gần bằng 1/3 tổng số vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng.

Theo vị chuyên gia, những năm qua, vốn TPDN tăng trưởng với tốc độ khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán theo mức tăng này, 2 năm tới khối lượng trái phiếu có thể tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, như vậy 6 năm sau sẽ lên 11,2 triệu tỷ. 11,2 triệu tỷ đồng này gánh được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng cần tìm để thay thế nguồn vốn ngắn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn.

Ông Nghĩa cho rằng "đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai". Tuy nhiên, hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, khi có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu.

"Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là 'máu' của nền kinh tế thị trường", ông Nghĩa nêu thực tế.

Cũng theo ông Nghĩa, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Ủy ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Bởi thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, qua đó quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.

Ông Nghĩa cho rằng một trong những điều quan trọng đối với sự phát triển của thị trường TPDN là tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Song niềm tin và trách nhiệm là hai từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Nếu thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ sẽ dẫn đến những rủi ro. Thị trường như vậy khó phát triển bền vững, khó giữ niềm tin của người dân.

"Trách nhiệm lớn lao nhất là Chính phủ, niềm tin là doanh nghiệp và nhân dân là trụ cột thị trường này. Chính phủ không nên nói không, chỉ trên nền tảng trách nhiệm của Chính phủ thì mới tạo được lòng tin. Lòng tin quyết định phát triển thị trường", ông Nghĩa khẳng định.

TS. Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

TS. Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Cùng nêu đánh giá về thị trường trái phiếu Việt Nam, TS. Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, trong xã hội đã có phân công nhiệm vụ, dòng vốn ngắn hạn thì giao cho ngành ngân hàng, còn vốn dài hạn phải dựa vào thị trường trái phiếu.

Dẫn lại câu tục ngữ "Con dại cái mang", ông Phước đặt vấn đề, thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn, vậy ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa?

Theo ông, những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn thời gian vừa qua là một hồi chuông cảnh báo, bởi Việt Nam chưa có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng.

"Tôi cho rằng muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến chúng ta cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng", ông Phước nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông đề xuất cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Xây dựng niềm tin và các công cụ xử lý rủi ro

Nhìn nhận về thị trường TPDN hiện nay, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Việt Nam, thị trường TPDN là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, điều đáng mừng là có thể nhìn thấy những con số tăng trưởng. Theo đó, trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường TPDN tăng 24% và đến năm 2021 là 56%.

"Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu của cả người phát hành và người mua đều rất lớn", TS. Nguyễn Tú Anh đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông, cái gì mới ra mà lớn nhanh quá lại phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

"Chúng ta cũng thấy vừa rồi xảy ra một số vụ việc, tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Lượng TPDN phát hành chỉ chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại", ông Tú Anh nói và cho biết ông rất ấn tượng với câu nói của Thủ tướng trong cuộc họp mới đây, rằng rủi ro và khủng hoảng là cái đương nhiên của thị trường. Điều này có nghĩa bất kỳ thị trường nào cũng có rủi ro.

Vị chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là khi tham gia thị trường phải xây dựng được niềm tin và có luật chơi, nếu người nào làm sai sẽ phải trả giá.

Theo ông, có hai cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.

Do đó, có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Do mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, nên chúng ta cần có các công cụ khác nhau.

"Công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro. Theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… Thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn", ông nói và khẳng định, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE