Trung Quốc chi hơn 2 tỷ USD nhập khẩu sắn, Việt Nam chiếm 8,2% thị phần

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam, chiếm gần 94% tổng lượng xuất khẩu của cả nước. Nhưng thị phần sắn của Việt Nam cũng chỉ chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hai tháng đầu năm xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 93,79% tổng lượng xuất khẩu của cả nước
Hai tháng đầu năm xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 93,79% tổng lượng xuất khẩu của cả nước

Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết, theo tin từ thương nhân, hiện một số nhà máy nhỏ đã phải nghỉ vụ do hết nguyên liệu, các nhà máy khác thu mua sắn củ tươi hàng cuối vụ với giá khá cao. Các đơn vị kinh doanh sắn lát báo giá bán cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước với mức giá khoảng 6.500 - 6.600 đồng/kg.

Chào giá xuất khẩu FOB - Quy Nhơn hiện cao hơn giá chấp nhận mua của thị trường Trung Quốc. Các nhà máy Việt Nam đang chào bán mức giá trong khoảng 480 - 505 USD/tấn (FOB) tại cảng TP.HCM do giá nguyên liệu ở mức khá cao. Báo giá xuất khẩu tinh bột sắn Việt Nam của nhiều nhà máy cao hơn mức giá giao dịch được tại thị trường Trung Quốc.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Trung Quốc

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu được 467,998 ngàn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 176,120 triệu USD, so với tháng trước tăng 98,2% về lượng và tăng 90% về trị giá. Cộng dồn 2 tháng đầu năm đạt 703,470 ngàn tấn, trị giá 268,093 triệu USD, tăng 38,7% về lượng và tăng 25,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Riêng mặt hàng sắn, trong tháng 2/2023, xuất khẩu đạt 188,313 ngàn tấn, trị giá 51,006 triệu USD, tăng 221,1% về lượng và tăng 239,1% về trị giá so với tháng trước.

Trong tháng 2/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 436,901 ngàn tấn, trị giá 161,985 triệu USD, so với tháng 2/2022 tăng 86,93% về lượng và tăng 69,92%.

Cộng dồn 2 tháng đầu năm xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 659,840 ngàn tấn, chiếm 93,79% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, trị giá 248,140 triệu USD, tăng 33,46% về lượng và tăng 20,58% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc đạt 2,03 tỷ USD, tăng 32,6% so với năm 2021. Các thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2022 lần lượt là: Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 (sau Thái Lan) cung cấp sắn cho Trung Quốc trong năm 2022 với 167,1 triệu USD, tăng 8,4% so với năm 2021. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 10,04% của năm 2021.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan với 1,85 tỷ USD, tăng 36,5% so với năm 2021. Thị phần sắn của Thái Lan chiếm 91,12% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc trong năm 2022, tăng mạnh so với mức 88,49% của năm 2021.

Bên cạnh tăng nhập khẩu sắn trong năm 2022, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 4,31 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng 23,7% về lượng và tăng 31,8% về trị giá so với năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.

Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc. Trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,43 triệu tấn tinh bột sắn từ Thái Lan, với trị giá 1,27 tỷ USD, giảm 4,1% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 56,53% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 72,92% của năm 2021.

Có đến 60% lượng tinh bột sắn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 1,61 triệu tấn, trị giá 804,93 triệu USD, tăng tới 164,1% về lượng và tăng 180,2% về trị giá so với năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 37,49%, tăng mạnh so với mức 17,56% của năm 2021.

Ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết, hàng năm có trên 3 triệu tấn tinh bột sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó khoảng 40% xuất khẩu chính ngạch và khoảng 60% là xuất khẩu dạng tiểu ngạch.

Năm 2022, có trên 3,2 triệu tấn tinh bột sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch xấp xỉ 1,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu qua các cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn và Lào Cai khoảng 1,8 triệu tấn.

Do khối lượng tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu khá lớn. Để hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu được thuận tiện, giảm thiểu những rủi ro cũng như giảm chi phí bán hàng của doanh nghiệp hai bên, Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, chính sách biên mậu nên ổn định tương đối và cần tránh sự thay đổi đột ngột gây tổn thất rất lớn cũng như không có khả năng chủ động tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp.

Nếu có thay đổi thì không nên thay đổi nhiều và cần dành ra một khoảng thời gian hợp lý để cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp Trung Quốc có sự chuẩn bị.

Thứ hai, về mẫu mã và thông tin trên bao bì cần thống nhất theo thông lệ quốc tế hoặc thống nhất theo quy định của nước sở tại, tránh mỗi địa phương mỗi doanh nghiệp xuất khẩu có quy định thông tin khác nhau, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp của Việt Nam khi tổ chức sản xuất rất khó khăn.

Thứ ba, đề nghị hải quan ở hai đầu cửa khẩu nên có thống nhất về quy định phương tiện, phương thức giao nhận để tránh các bên có những quy định trọng tải, về phương thức giao nhận khác nhau làm cho doanh nghiệp của hai nước rất khó khăn trong việc tổ chức bán hàng và làm tăng thêm chi phí bán hàng của các bên doanh nghiệp.

“Trong thời gian gần đây, với sự quyết tâm của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã giúp giải quyết được những khó khăn ách tắc trong việc tổ chức hoạt động thương mại biên mậu, và đã giải tỏa được rất nhiều vấn đề vướng mắc trong thương mại biên giới. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn tồn tại đối với xuất khẩu sắn và tinh bột sắn khiến cho các doanh nghiệp trong hiệp hội gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam nói.

Theo Lao Động và Công Đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE