Trung Quốc gấp rút giải cứu ngành địa ốc

Cuộc khủng hoảng địa ốc của Trung Quốc đang lan rộng, đẩy nhiều công ty vào cảnh vỡ nợ, giá nhà lao dốc và nhiều người mua điêu đứng. Điều này buộc Bắc Kinh gấp rút vào cuộc.
Giới chức Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua những khoản vay mới. Ảnh: Reuters.
Giới chức Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua những khoản vay mới. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, các ngân hàng Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay, trong khi giới chức Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ thị trường bất động sản với những khoản vay mới. Nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải thiện niềm tin kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng, vốn đã suy yếu khi nền kinh tế giảm tốc tăng trưởng.

Lãi suất cơ bản (LPR) cho khoản vay kỳ hạn một năm đã giảm từ 3,7% còn 3,65%, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 1, nhưng vẫn thấp hơn dự báo của giới quan sát.

Trong khi đó, LPR 5 năm giảm tới 15 điểm cơ bản còn 4,3%, mức giảm tương đương hồi tháng 5. LPR là lãi suất cho vay tham chiếu được thiết lập hàng tháng bởi 18 ngân hàng Trung Quốc.

Động thái cấp thiết

"Động thái cắt giảm lãi suất cho thấy sự cấp thiết của việc xử lý cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản đang ngày càng lan rộng", Bloomberg dẫn lời ông Tommy Xie - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc tại Oversea-Chinese Banking Group - nhận định.

"Việc hạ lãi suất cũng giúp ổn định doanh thu bất động sản, nhất là khi niềm tin của người mua nhà đã suy yếu nghiêm trọng", vị chuyên gia nói thêm.

Các ngân hàng Trung Quốc cắt giảm lãi suất sau khi giới chức Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ để vực dậy lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và 2 cơ quan khác cho biết sẽ cung cấp những khoản vay đặc biệt thông qua các ngân hàng chính sách.

Các khoản vay sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thi công của những dự án nhà ở bị đình trệ.

Ngành địa ốc rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt sau khi giới chức Bắc Kinh đưa ra một loạt quy định mới nhằm hạ nhiệt giá nhà và giảm đòn bẩy trong một lĩnh vực đã tăng trưởng quá nhanh nhờ vay nợ.

Cuộc khủng hoảng tiền mặt của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc khiến số dự án mới giảm mạnh. Có đến 5% dự án nhà ở bị tạm dừng thi công. Điều này đã làm dấy lên làn sóng dừng trả khoản vay thế chấp từ phía người mua nhà. Nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động nghiêm trọng từ sự sụp đổ của thị trường địa ốc.

Theo Bloomberg, không chỉ người mua nhà, một số nhà thầu của các công ty bất động sản Trung Quốc cũng dừng thanh toán khoản vay ngân hàng vì chưa được trả tiền.

"Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ tiền tệ. Trong đó, hỗ trợ thị trường bất động sản là việc cấp bách nhất", chuyên gia kinh tế Trung Quốc Eric Zhu tại Bloomberg Economics nhận định.

"Việc cắt giảm lãi suất cơ bản của khoản vay 5 năm (ảnh hưởng trực tiếp tới lãi vay thế chấp) mạnh tay hơn lãi suất khoản vay một năm là minh chứng rõ nhất", ông giải thích.

Lo ngại "bẫy thanh khoản"

Lãi vay thấp hơn có thể giúp thúc đẩy nhu cầu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều này cũng không thể khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, vốn đã sụt giảm mạnh vì sự hỗn loạn trong ngành địa ốc và các đợt phong tỏa chống Covid-19.

Các ngân hàng Trung Quốc đang rủng rỉnh tiền mặt. Tuy nhiên, họ vẫn không sẵn sàng giải ngân cho những dự án nhà ở. Nhu cầu tín dụng suy yếu mạnh trong tháng 7 đã làm dấy lên mối lo ngại về "bẫy thanh khoản". Đây là tình trạng lãi suất thấp không thể thúc đẩy hoạt động cho vay.

Người mua nhà từ chối thanh toán khoản vay thế chấp cho những dự án còn dang dở. Ảnh: Reuters.

Đáng nói, cuộc khủng hoảng trong ngành địa ốc đang ngày càng nghiêm trọng. Hàng trăm người mua nhà và doanh nghiệp từ chối thanh toán khoản vay liên quan đến bất động sản. Trong khi đó, các hộ gia đình cũng tăng tiết kiệm và tránh mắc nợ.

Theo ông Xie, PBoC đã nhẹ tay hơn trong việc cắt giảm lãi suất cơ bản của khoản vay kỳ hạn một năm. Điều này cho thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ dựa vào những công cụ chính sách tiền tệ cơ cấu.

"Các nhà băng Trung Quốc muốn tập trung vào hạ lãi suất đối với khoản vay thế chấp và những khoản vay chi tiêu vốn liên quan để thúc đẩy nhu cầu tín dụng", bà Xiaojia Zhi - chuyên gia kinh tế tại Credit Agricole CIB - bình luận.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE