Từng có kế hoạch mở rộng ra toàn quốc, vì sao Bách Hóa Xanh đóng hơn 300 cửa hàng chỉ trong thời gian ngắn?

Tháng 4/2022, Bách Hoá Xanh có 2.140 cửa hàng. Tuy nhiên, tính tới sáng 15/7, chuỗi siêu thị bách hóa này chỉ còn sở hữu 1.824, giảm 316 cửa hàng. Theo kế hoạch, năm 2022 MWG tái cấu trúc toàn diện chuỗi Bách Hóa Xanh.
MWG rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động kém hiệu quả (Ảnh minh họa)
MWG rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động kém hiệu quả (Ảnh minh họa)

Theo cập nhật trên website của Bách Hóa Xanh ngày 15/7, Bách Hóa Xanh sở hữu 1.824 cửa hàng, giảm 316 cửa hàng so với tháng 4/2022. Dù số lượng cửa hàng giảm mạnh, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn chỉ đứng sau Winmart+ thuộc Tập đoàn Masan với hơn 2.700 cửa hàng và vẫn bỏ xa Co.op Foods (khoảng 600 cửa hàng) và Satra Foods.

Động thái đóng hàng loạt nhiều cửa hàng của Bách Hóa Xanh diễn ra trong bối cảnh trước đó, báo cáo hoạt động tháng 5/2022, Thế Giới Di Động (MWG) từng cho biết, chuỗi Bách Hóa Xanh tái cấu trúc toàn diện năm 2022. Cụ thể, Bách Hóa Xanh thay đổi layout của hơn 1.000 cửa hàng trong tháng 5, lũy kế tháng 4,5 hoàn thành khoảng 50% kế hoạch đề ra. Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu bình quân cửa hàng trong tháng 5 tăng 14% so với trung bình ba tháng đầu năm, tổng số lượt khách hàng tăng 30% và sản lượng hàng tươi sống bán ra tăng 50%.

Dự kiến trong quý 3, toàn bộ cửa hàng Bách Hóa Xanh hiện hữu sẽ hoạt động với cách bố trí (layout) mới. Đồng thời, MWG cũng cho biết sẽ rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, đồng thời hoàn tất xử lý tồn kho phát sinh do hạ diện tích và giảm số lượng đơn vị hàng tồn kho (SKU) kinh doanh tại cửa hàng.

Chia sẻ trên báo chí, đại diện MWG cho biết, đã thực hiện việc rà soát từ nhiều ngày qua để đóng cửa các điểm bán không hiệu quả trên toàn hệ thống, và thời gian tới sẽ tiếp tục công việc này, để dành sức đầu tư cho các điểm bán có doanh thu tốt. Chỉ có hơn 50% trong tổng số 2.100 cửa hàng vào giữa tháng 5 đạt đầy đủ tiêu chí cần thiết. Với gần 50% cửa hàng còn lại, công ty sẽ rà soát, nếu điểm bán nào cách quá xa các tiêu chuẩn cần thiết sẽ được tính toán xử lý.

Đến quý 4/2022, dự kiến Bách Hóa Xanh có thể đạt doanh thu bình quân 1,3 tỷ/cửa hàng, phát triển mạnh kênh online.

Trước đó, năm 2021 có thể coi là năm bùng nổ trong tăng trưởng doanh thu của Bách Hóa Xanh khi ghi nhận doanh thu hơn 28.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020 và gấp 2,6 lần năm 2019. Sau khi trừ đi chi phí, Bách Hóa Xanh lỗ ròng 1.188 tỷ đồng năm 2021, giảm so với mức lỗ 1.926 tỷ đồng năm 2020. Mặc dù vậy, tính đến cuối năm 2021, Bách Hóa Xanh vẫn lỗ lũy kế 4.950 tỷ đồng.

Sau 6 năm phát triển, Ban lãnh đạo MWG đã công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ huy động vốn và tiến tới IPO Bách Hóa Xanh. “Bách Hóa Xanh trải qua 6 năm phát triển và hoàn toàn dùng tiền từ tập đoàn rót xuống. Đây là thời điểm phù hợp để chuỗi bước ra ngoài cho nhà đầu tư, cổ đông đánh giá. Tôi cho rằng Bách Hóa Xanh nên có những nhà đầu tư khác để có nhiều hỗ trợ, ý tưởng cho chuỗi phát triển hơn nữa thay vì việc phục thuộc vào Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh, qua đó hiệu quả chuỗi sẽ cải thiện hơn”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG nói.

MWG muốn phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư với tỷ lệ tối đa 20% vốn của Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh trong giai đoạn 2022-2023. Mục tiêu huy động vốn để đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, kênh bán hàng online.

MWG công bố tỷ lệ phát hành tối đa 20% nhưng ưu tiên phương án bán với tỷ lệ thấp hơn. Thời điểm IPO chỉ khi quy mô doanh thu, thị phần và lợi nhuận ổn định.

Bên cạnh việc đóng các cửa hàng kém hiệu quả, kế hoạch mở mới cũng tạm ngưng để tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng, chất lượng dịch vụ và thu hút người dùng. Ông Nguyễn Đức Tài từng cho biết, Bách Hóa Xanh vẫn sẽ được mở rộng ra toàn quốc từ năm 2023, thậm chí ngay từ quý 4 năm nay, Bách Hóa Xanh không mở để tăng lỗ mà mở thêm để giảm lỗ và tăng lời.

Tăng tốc AVAKids, chuỗi thuốc An Khang

Trong khi số lượng cửa hàng của chuỗi Bách Hóa Xanh từng ở mức hơn 2.000 và đang được thu hẹp, MWG lại tăng tốc cho chuỗi nhà thuốc An Khang và cửa hàng mẹ và bé AVAKids, 2 chuỗi nhà thuốc và AVAKids hiện chỉ có số cửa hàng lần lượt 500 và 50 cửa hàng.

Trên website Nhà thuốc An Khang, thông tin cho thấy An Khang mới cán mốc 500 nhà thuốc sau 5 năm hoạt động. Thời gian gần đây, An Khang đã tăng tốc mạnh, tăng 322 cửa hàng trong 7 tháng đầu năm 2022 nhưng tính đến tháng 6/2022, số cửa hàng vẫn thua Long Châu (627 cửa hàng) và Pharmacity (hơn 1.100 cửa hàng).

Quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam theo IBM ước tính đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 với tốc độ tăng trưởng kép 16,2% (2012-2021). Quy mô thị trường kỳ vọng đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tương đương tốc độ tăng trưởng kép 15,9% giai đoạn 2021-2026 cho thấy thị trường dược phẩm Việt Nam còn nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng gần 2,0 lần tăng trưởng GDP (khoảng 7% /năm).

Ngoài ra, quy mô các chuỗi bán lẻ thuốc hiện đại lớn chỉ đang chiếm ít hơn 4% tổng số lượng nhà thuốc toàn quốc, cho thấy tiềm năng để phát triển chuỗi bán lẻ thuốc quy mô lớn như An Khang, Long Châu.

Với AVAKids, trong vòng 5 tháng AVAKids đã chính thức đạt cột mốc 50 siêu thị. Theo CEO MWG Đoàn Văn Hiểu Em, AVAKids đặt mục tiêu đạt 200 cửa hàng vào cuối 2022 và tiếp tục phát triển trong 2 năm tiếp theo đến 2024 trở thành nhà bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam về lĩnh vực Mẹ & Bé cả về số lượng cửa hàng và doanh thu đóng cho MWG.

Tính đến tháng 6/2022, thống kê của VNDIRECT cho thấy, Con Cưng sở hữu số lượng cửa hàng mẹ và bé theo chuỗi tại Việt Nam lớn nhất với 654 cửa hàng, tiếp theo đó mà BiboMart với 164, Kids Plaza (157) và AVAKids (50).

Sau giai đoạn thử nghiệm đầu tiên kể từ T1/22, kết quả của chuỗi AVAKids khá khả quan khi doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng AVAKids có thể đạt tới 2 tỷ đồng, trong đó doanh thu trực tuyến chiếm 25 - 30%. Vào ngày Quốc tế Thiếu nhi – 1/6/2022, số lượng cửa hàng AVAKids đã lên đến con số 50, đánh dấu giai đoạn 2 thử nghiệm AVAKids trên quy mô lớn hơn.

Công ty chứng khoán VNDIRECT dẫn số liệu Euromonitor, doanh thu sản phẩm trẻ em tại Việt Nam (bao gồm thức ăn trẻ em, sản phẩm dành riêng cho trẻ nhỏ và quần áo trẻ em) đạt khoảng 50.100 tỷ đồng vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng trưởng kép khoảng 7,3%/năm trong giai đoạn 2021 – 2025 với 80% thị phần thuộc về các cửa hàng quy mô nhỏ, dự báo, thị trường này tiềm năng cho các nhà bán lẻ hiện đại lớn như MWG với AVAKids.

Đọc tiếp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Chat với BizLIVE