Từng phải giãn để chống lạm phát, Bộ trưởng Giao thông vận tải nói gì về tiến độ đường Hồ Chí Minh?

Theo Nghị quyết số 66, đến năm 2020 dự án đường Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành thông tuyến, nhưng đến nay dự án mới hoàn thành hơn 86%.
Dự án đường Hồ Chí Minh mới hoàn thành 2.362 km/2.744 km
Dự án đường Hồ Chí Minh mới hoàn thành 2.362 km/2.744 km

Chiều ngày 06/6, thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ cũng như các giải pháp ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm hoàn thành thông tuyến.

Sớm bố trí vốn cho những đoạn tuyến còn dang dở

Tham gia cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Long An nêu rõ, dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh tại các địa phương. Đồng thời, tạo diện mạo mới cho các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi tuyến đường đi qua.

Tuy nhiên, theo đại biểu đến nay dự án vẫn còn một số đoạn tuyến gặp khó khăn, vướng mắc, chưa thể hoàn thành. Chẳng hạn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án Đoan Hùng - Chợ Bến trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, TP.Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, theo Tờ trình của Chính phủ do không bố trí được vốn nên đã tận dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21 hiện hữu để nối thông đường Hồ Chí Minh.

Đại biểu cho rằng việc thông tuyến như vậy chỉ là thông tuyến về mặt vật lý, chưa thật sự thông tuyến theo tinh thần Nghị quyết 66 của Quốc hội.

Đối với đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3950 ngày 17/12/2007, có tổng chiều dài là 82,75 km, đi qua 4 tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và tỉnh Long An. Các tỉnh được giao làm chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở đó, tỉnh Long An có 1.254 hộ phải kê biên giải phóng mặt bằng với 140,3 hecta đất thu hồi để thực hiện dự án. Tính đến tháng 4/2014, tỉnh Long An đã chi trả bồi thường cho 1.034 hộ/1.254 hộ. Tuy nhiên, dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Long An tạm dừng theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An còn 211 hộ dân đã có quyết định thu hồi.

"Các hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Trong khi nhiều hộ dân phải đi vay tiền ngân hàng để di dời khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng", đại biểu nêu thực tế và cho rằng đây là vấn đề bức xúc mà cử tri Long An đã kiến nghị nhiều lần với các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Ảnh: Quốc hội

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phân bổ nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh các đoạn còn dở dang, trong đó có đoạn địa bàn tỉnh Long An; bố trí đủ nguồn vốn để chi trả tiền bồi thường cho 211 hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận được tiền bồi thường trên địa bàn tỉnh Long An.

Đại biểu nhấn mạnh việc này không thể chậm trễ và kéo dài nhiều hơn nữa vì sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp, điểm nóng, khiếu kiện và gây ra lãng phí rất lớn về tài nguyên đất đai tại địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư để thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025, kể cả việc đầu tư đoạn Cổ Tiếp đến Chợ Bến. Đại biểu nhấn mạnh, không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài nhiều năm sang giai đoạn 2026-2030, có như thế, tuyến đường mới thực sự phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có tuyến đường đi qua.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thành việc quyết toán các dự án thành phần; cần làm rõ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư các dự án thành phần; kết quả phát hiện các vi phạm và xử lý vi phạm sau kết luận thanh tra, kiểm toán của các dự án thành phần.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục xem xét, rà soát, sửa đổi các quy định về đầu tư PPP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tham gia đầu tư theo hình thức đầu tư PPP để giảm áp lực về vốn cho ngân sách nhà nước.

Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, để triển khai nhanh chóng, kịp thời các dự án cao tốc nói chung cũng như dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng, Chính phủ cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc nói chung, dự án Hồ Chí Minh nói riêng.

Trong đó, tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương áp dụng hình thức chỉ định thầu. Cho phép UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường...

Đã bố trí 4.450 tỷ đồng cho 2/3 đoạn còn lại

Phát biểu giải trình về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn từ năm 2000 – 2010, tiến độ triển khai dự án rất tốt.

Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015 được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát. Vì thế, giai đoạn 2011-2015 hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát và trong 5 năm này hầu như không thực hiện được.

Giai đoạn 2016 đến 2020, chủ trương khởi động lại những dự án dang dở, dừng giãn và tập trung dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Nhưng nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, còn một trong những nguyên nhân chậm tiến độ nữa là đường Hồ Chí Minh là con đường đi qua địa hình phức tạp, khu vực địa chất khó khăn... Do đó, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng…

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ và một số bộ ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ tham mưu Quốc hội để rà soát, bố trí nguồn vốn.

Về giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, các dự án đường cao tốc hiện nay thực hiện theo Luật Đầu tư công, đã bố trí đủ nguồn lực, chứ không như giai đoạn trước đây là bố trí nguồn lực theo khả năng, theo giai đoạn. Do đó, những dự án đủ vốn mới triển khai và với sự quyết liệt của Chính phủ và địa phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tin tưởng giai đoạn sắp tới dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án khác sẽ thực hiện đúng tiến độ.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã bố trí vốn cho hai đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi – Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận đi qua các địa phương (hiện nay đã bố trí 4.450 tỷ đồng).

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai dự án, trong đó giúp Bộ Giao thông vận tải trong công tác giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng cho rằng, thời gian ngắn mà mặt bằng không xong thì không làm được, nhất là đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận đi qua vùng đất yếu, nếu không đủ thời gian gia tải sẽ rất khó khăn. Còn riêng đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ lập hồ sơ ngay trong năm 2022, tranh thủ các nguồn lực, trong đó có những nguồn có thể có trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới để đầu tư…

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng tiếp thu ý kiến đại biểu về nghiên cứu để đầu tư đường Hồ Chí Minh theo đúng quy hoạch. Trước đây làm 2 làn xe và đường Hồ Chí Minh thì không thể kéo dài mãi. Do đó, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ, Quốc hội xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030 tập trung nguồn lực cho đường Hồ Chí Minh, nhất là những đoạn có quy hoạch cao tốc để nâng cấp.

Đối với đoạn đường còn lại, Bộ sẽ cố gắng bố trí kinh phí để nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội thống nhất đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp về chủ trương tiếp tục đầu tư các đoạn, tuyến còn lại của đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025.

Theo đó, sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai và cân đối, bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thành hai dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận để đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở tận dụng Quốc lộ 32, Quốc lộ 21.

Đồng thời, tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14, Nghị quyết 44/2022/QH15.

Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, thực hiện chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2022 và 2023 theo quy mô cao tốc làm cơ sở để huy động nguồn vốn sớm đầu tư khi cân đối đủ nguồn lực.

Theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 dự án đường Hồ Chính Minh hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km.

Tuy nhiên, đến nay, dự án mới hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Đọc tiếp

Thông tin mới nhất về tuyến đường 14.000 tỉ đồng kết nối từ cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đến trung tâm Tp.Vũng Tàu

Thông tin mới nhất về tuyến đường 14.000 tỉ đồng kết nối từ cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đến trung tâm Tp.Vũng Tàu

Sau khi thống nhất đầu tư tuyến đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến trung tâm Tp.Vũng Tàu mới đây dự án đang được hoàn tất các bước chuẩn bị để khởi công. Trong đó, với đoạn qua TP. Bà Rịa sẽ ban hành giá đất cụ thể để tiến hành đền bù ngay trong tháng 4/2024.

Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư

Bà Rịa-Vũng Tàu, thỏi “nam châm” hút vốn đầu tư trong và ngoài nước

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa tổ chức “Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư”. Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh tiến hành trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư và tăng vốn cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.880 tỷ đồng và hơn 1,4 tỷ USD cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE