Twitter: Nợ 13 tỷ USD, lỗ 4 triệu USD/ngày, lãnh đạo cấp cao bị sa thải gần hết

Với khoản nợ gần 13 tỷ USD, Twitter phải trả 1,2 tỷ USD lãi suất mỗi năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Elon Musk đã không lãng phí bất kỳ giây phút nào để thay đổi Twitter kể từ khi thâu tóm mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD hôm 27/10. Vị tỷ phú này sa thải hầu hết các lãnh đạo cấp cao, bao gồm giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, cùng một nửa nhân sự Twitter qua email.

Musk cũng tuyên bố chấm dứt chính sách làm việc từ xa và buộc nhân viên quay trở lại văn phòng sau nhiều năm duy trì quy định cũ. Một vài sáng kiến nhằm cải thiện doanh thu cho Twitter cũng được Elon Musk đề xuất, theo Bloomberg.

Không chỉ nhằm cải thiện doanh thu, Twitter có một lý do cấp bách hơn để hành động: Hóa đơn nợ cần phải trả. Do thỏa thuận mua lại có sử dụng đòn bẩy tài chính dựa trên bảng cân đối kế toán của Twitter, khoản nợ nền tảng mạng xã hội này đang phải đối mặt đã chạm mốc khoảng 13 tỷ USD, tăng từ mức 1,7 tỷ USD trước đây. Twitter cũng sẽ phải thanh toán khoản lãi suất hàng năm lên tới 1,2 tỷ USD, tăng từ mức dưới 100 triệu USD thời kỳ chưa về tay Musk.

Theo các chuyên gia, tình hình thậm chí có thể trở nên khó khăn hơn đối với Twitter do lãi suất một số khoản nợ không bị ràng buộc và sẽ tăng theo thị trường chung. Việc Twitter không có lãi trong suốt 1 năm kể từ 2019, cộng thêm tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong năm nay càng khiến công ty chật vật để trả hết nợ. Theo Bloomberg, Twitter báo lỗ ròng 270 triệu USD trong quý 2/2022 và dự kiến lỗ hơn 200 triệu USD trong quý 3.

Tất nhiên, Musk biết điều này. Đó là lý do vì sao CEO Tesla bất ngờ cắt giảm một lượng lớn nhân sự để hạ bớt gánh nặng chi phí. Được biết, lương thưởng dựa trên cổ phiếu cho nhân viên Twitter tiêu tốn 630 triệu USD hồi năm ngoái, tương đương 12% tổng doanh thu.

Theo Reuters, Musk cũng đang lên kế hoạch đóng cửa một số văn phòng và yêu cầu công ty tiết kiệm 1 tỷ USD/năm bằng cách cắt giảm chi phí cơ sở hạ tầng. Vốn đầu tư cho không gian máy chủ và các dịch vụ đám mây theo đó bị hạn chế.

Twitter: Nợ 13 tỷ USD, lỗ 4 triệu USD/ngày, lãnh đạo cấp cao bị sa thải gần hết ảnh 1

Elon Musk đã không lãng phí bất kỳ giây phút nào để thay đổi Twitter kể từ khi thâu tóm mạng xã hội với giá 44 tỷ USD hôm 27/10.

“Về việc cắt giảm lực lượng của Twitter, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác vì công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ ngày,” Musk đã tweet vào thứ Sáu.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc nhanh chóng cắt giảm chi phí có thể không phải cách tốt nhất để cải thiện lợi nhuận. Việc cắt giảm, bao gồm xóa sổ gần như hoàn toàn bộ phận marketing, truyền thông, nhân quyền và quan hệ đối tác với người nổi tiếng, có thể khiến Twitter khó giữ chân người dùng và đối tác quảng cáo.

Bằng chứng là ngay sau khi sa thải đột ngột 3.700 nhân viên hồi cuối tuần qua, Twitter đã phải khẩn khoản họ quay trở lại. Một số được yêu cầu quay trở lại do nhầm lẫn trong quá trình thanh lọc nhân sự. Số khác thì được phía Twitter đánh tiếng vì cho rằng kinh nghiệm dày dặn của họ là điều cần thiết để xây dựng các tính năng mới cho nền tảng. Danh tính những nhân viên này hiện vẫn được giữ kín.

Hiện tại, một trong những kế hoạch đáng chú ý nhất của Musk nhằm cải thiện doanh thu Twitter là dịch vụ đăng ký hàng tháng kèm tiện ích, bao gồm tích xanh với giá 8 USD/tháng. Musk cũng yêu cầu nhân viên cố gắng hồi sinh Vine, ứng dụng video dạng ngắn vốn bị khai tử từ năm 2016 để có thêm cơ hội quảng cáo.

Elon Musk sa thải hầu hết các lãnh đạo cấp cao, bao gồm giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, cùng một nửa nhân sự Twitter qua email.

Bên cạnh đó, Twitter cũng đang phát triển một sản phẩm riêng biệt cho phép người dùng tính phí những tài khoản xem video của mình. Tuy nhiên, các sản phẩm video như vậy sẽ đi kèm với chi phí lưu trữ bổ sung.

Theo CNN, nỗ lực trấn an ngành quảng cáo - lĩnh vực vốn chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh của Twitter, đã nhanh chóng bị lu mờ ngay từ những ngày đầu tiên Musk trở thành chủ sở hữu mới. Nhiều chuyên gia dự báo, một cuộc di cư các thương hiệu quảng cáo lớn có thể sẽ sớm diễn ra.

“Tôi nghĩ các nhà quảng cáo sắp rời đi thôi. Đó rất có thể là một bước ngoặt địa chấn đối với lĩnh vực này”, Claire Atkin, đồng sáng lập cơ quan giám sát công nghệ kiểm tra quảng cáo nhận định.

Bằng chứng là General Motors, hãng sản xuất xe hơi cạnh tranh với Tesla của Elon Musk đã tuyên bố tạm dừng quảng cáo trên Twitter như một phần của kế hoạch đánh giá lại sức mạnh của nền tảng mạng xã hội. CNN hôm thứ Hai cũng liên hệ với hơn 10 thương hiệu hiện đang quảng cáo trên Twitter, song gần như không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Trong khi đó, Toyota, một đối thủ cạnh tranh khác của Tesla cho biết họ đang “thảo luận với các bên liên quan và theo dõi thêm tình hình”. Ben & Jerry's thì úp mở “tại thời điểm này, chúng tôi chưa xem xét thực hiện bất kỳ hành động nào”.

Twitter: Nợ 13 tỷ USD, lỗ 4 triệu USD/ngày, lãnh đạo cấp cao bị sa thải gần hết ảnh 3

Nỗ lực trấn an ngành quảng cáo - lĩnh vực vốn chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh của Twitter, đã nhanh chóng bị lu mờ ngay từ những ngày đầu tiên Musk trở thành chủ sở hữu mới.

Đầu tuần, tập đoàn quảng cáo khổng lồ Interpublic Group (IPG) khuyến khích khách hàng tạm dừng quảng cáo trên Twitter trong khi chờ đợi động thái tiếp theo của Musk. Thông báo trích trong bản ghi nhớ nội bộ gửi tới các nhân viên của IPG - những người thường xuyên tiếp xúc với các nhãn hàng lớn, bao gồm Coca Cola, Johnson & Johnson, Spotify, Unilever…

Mọi thứ đang gây áp lực lên Musk - người trước giờ vẫn giữ quan niệm “đánh nhanh thắng nhanh”. Nợ nần và sự hỗn loạn Twitter đang phải đối diện sẽ khiến vị tỷ phú này không còn có thể vung tiền xa hoa theo bất kỳ cách nào.

Theo Markettimes

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE