"Uber bất động sản Việt" từng giao dịch tỷ USD đóng cửa: Dấu hỏi cho thị trường proptech

Thị trường bất động sản đang khó khăn, vụ việc của Propzy càng khiến bức tranh proptech khó trở nên sáng sủa trong thời gian ngắn.
Propzy là startup đình đám lĩnh vực proptech tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Propzy là startup đình đám lĩnh vực proptech tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Thành lập năm 2016, Propzy là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực proptech (công nghệ bất động sản) chuyên về nhà phố tại TP.HCM, cung cấp nền tảng dịch vụ để người dùng tiếp cận nhà đất. Trong quá trình hoạt động, Propzy gọi thành công 30 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Gaw Capital Partners và SoftBank Ventures Asia.

Công ty là điểm sáng trong ngành, được kỳ vọng là Uber bất động sản Việt Nam. CEO John Le tiết lộ Propzy thực hiện số lượng giao dịch bất động sản trị giá hơn một tỷ USD kể từ khi ra mắt, trở thành nền tảng giao dịch bất động sản ngoại tuyến và trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam.

Tuy vậy, Propzy “đánh dấu chấm hết” bằng bức thư của CEO John Le gửi thư đến nhân viên thông báo về việc đóng cửa. Ông John Le xác nhận Propzy đình chỉ mọi hoạt động tại Việt Nam từ ngày 12/9.

“Nhiều người có chung nhận định việc Propzy đóng cửa không quá bất ngờ khi quan sát cách vận hành và thực tế triển khai của doanh nghiệp này. Hình dung về kết cục không tốt đẹp manh nha từ tháng 6 với việc sa thải 50% nhân sự và giải thể một công ty con. Việc đóng cửa là một kết cục buồn được dự báo”, ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia đầu tư và công nghệ tài chính (fintech) nhận định.

Công nghệ của Propzy được mong chờ giải được bài toán cho quá trình giao dịch mua, bán nhà phố lẻ, vốn được coi là có nhiều góc khuất trong thị trường bất động sản vì quy trình và thủ tục pháp lý phức tạp. Tuy vậy, yếu tố công nghệ được áp dụng ít ỏi khiến Propzy không tạo được lợi thế cạnh tranh đủ lớn với các đối thủ.

Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng đánh giá về mức độ áp dụng công nghệ của Propzy: “Mô hình hoạt động của Propzy không đặt trên nền tảng, giải pháp mang tính đột phá, chưa có ai làm. Cơ bản công ty vẫn làm nhiệm vụ môi giới kết nối người bán và người mua theo cách truyền thống. Propzy có phát triển thêm các dịch vụ mới nhưng chỉ về mặt dịch vụ và luồng nghiệp vụ, không phải giải pháp công nghệ”.

Gặp khó khăn khi thị trường nguội lạnh, doanh thu tụt dốc, công ty phải thực hiện tái cấu trúc, hoạt động với 4 mảng là sàn giao dịch kết nối bất động sản, dịch vụ hỗ trợ giao dịch bất động sản, giải pháp tài chính bất động sản Propzy Stay và dịch vụ mua nhà, tân trang và bán lại Propzy Home.

Tuy nhiên, sai lầm nối tiếp sai lầm, Propzy chìm sâu vào khủng hoảng. Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nhìn nhận: “Bản thân người sáng lập không có nhiều kinh nghiệm thực tế ở thị trường bất động sản có nhiều đặc thù như Việt Nam. Vì khả năng “thực chiến” chưa đủ, quy trình vận hành khó theo sát diễn biến thị trường. Các công ty lớn có nhiều năm “lăn lộn” còn phải liên tục điều chỉnh quy trình vận hành phù hợp. Sự thiếu nhanh nhạy của Propzy là điểm yếu chí mạng.

CEO Propzy John Le

CEO Propzy John Le

Ngoài ra, bất động sản là lĩnh vực không phải cứ ốp công nghệ vào là chạy tốt. Mua bán bất động sản vẫn cần kết nối con người trực tiếp, việc chốt hợp đồng ở Việt Nam rất khó thực hiện chỉ qua kênh online.

Cuối cùng, Propzy “đốt tiền” quá nhanh cho chiến lược sai lầm, doanh thu không theo kịp chi phí. Khi thị trường bất động sản suy thoái cùng bối cảnh kinh tế đi xuống, startup này “gục hẳn” không bất ngờ”.

Thị trường bất động sản tiềm năng

Thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng phát triển hàng đầu châu Á. Dân số thành phố 44 triệu người, chiếm 45% với tổng số 862 đô thị. Năm 2025 dự báo dân số thành phố ở Việt Nam tăng lên 52 triệu người, chiếm 50% dân số, với khoảng 1.000 đô thị. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy mô thị trường bất động sản Việt Nam đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030.

Bất động sản là hàng hóa đặc biệt, dịch chuyển chậm, giao dịch nhiều bước, dữ liệu thông tin nhiều, khối lượng lớn. Nhiều công đoạn như kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng… với thủ tục phức tạp. Do vậy, đây là lĩnh vực được đánh giá rất tiềm năng để áp dụng công nghệ, “giải quyết nỗi đau” của thị trường.

Các ứng dụng proptech vì thế phát triển bùng nổ cung cấp từ tính năng rao vặt, quản lý, vận hành bất động sản, đầu tư, cho thuê, dịch vụ môi giới, chia sẻ không gian đến tài chính bất động sản…

Nhiệm vụ proptech là giải quyết 3 bài toán chính gồm tiếp cận thông tin, hỗ trợ giao dịch và quản lý, tối ưu hóa tài sản. Thậm chí, proptech tham gia sâu hơn, từ quá trình phát triển dự án bất động sản, giúp tối ưu chi phí trong quá trình xây dựng và vận hành sau này. Theo xu hướng, ứng dụng proptech đem tới các lợi ích ngày càng đa dạng và thực tiễn hơn.

Các proptech phát triển ra sao

Theo dữ liệu của PropTech Vietnam Network, tính đến năm 2021, tại Việt Nam có khoảng 150 startup trong lĩnh vực proptech, trong đó, đa số doanh nghiệp đi theo mô hình môi giới bất động sản. Theo Property Insight Program, thị trường proptech Việt Nam thu hút tổng cộng khoảng 500 triệu USD vốn đầu tư.

Propzy liên tục khai trương văn phòng mới trước khi đóng cửa

Propzy liên tục khai trương văn phòng mới trước khi đóng cửa

Việc Propzy giải thể, chấm dứt hoạt động tác động không nhỏ tới thị trường.

Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nhận định: “Propzy đóng cửa là nốt trầm với cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào bất động sản, vốn phát triển nhanh chóng dù không quá ồn ào thời gian qua. Sự cố khiến nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm phải cân nhắc, đắn đo nhiều hơn, không dám mạnh tay xuống tiền cho các dự án proptech.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn, vụ việc của Propzy càng khiến bức tranh proptech khó trở nên sáng sủa trong thời gian ngắn.

Qua sự ra đi “không kèn không trống” của Propzy, chúng ta một lần nữa nhìn nhận rằng không nên coi gọi vốn là đích đến cho hoạt động của startup. Thành công của startup không thể được tung hô thông qua gọi được vốn bao nhiêu vòng, bao nhiêu tiền mà là khả năng sống sót, khả năng sinh lời thông qua việc đem tới giá trị, lợi ích cho cộng đồng.

Ở chiều ngược lại, việc khai tử của Propzy cũng mang đến những bài học kinh nghiệm, giúp các startup proptech đánh giá lại thị trường, nhìn nhận bản thân sau thời gian phát triển nóng”.

Proptech tại Đông Nam Á thu hút làn sóng đầu tư lớn, huy động được tổng cộng 72,9 triệu USD, dẫn đầu về số lượng với 11 trên tổng số 38 thương vụ trong năm 2019 tại châu Á. Các chuyên gia đầu tư tài chính dự báo rằng trong năm 2022, các startup về proptech tiếp tục được săn đón và đầu tư mạnh vào công nghệ giao dịch dành cho môi giới, nền tảng quản lý bất động sản, giải pháp đầu tư trực tuyến.

Ở Việt Nam, các proptech dần có chỗ đứng trên thị trường như nền tảng thông tin batdongsan.com.vn, Rever (nền tảng môi giới bất động sản - nhận đầu tư 16,5 triệu USD), Homebase (cung cấp giải pháp đầu tư bất động sản cho người vay dưới chuẩn ngân hàng - 30 triệu USD), Citics (dữ liệu bất động sản gồm định giá, mua, cho thuê, vay đầu tư - hơn một triệu USD)…

Ngoài ra, các “ông lớn” bất động sản như Hưng Thịnh, Sunshine Group, Đại Phúc, Cen Group… cũng đầu tư mạnh vào proptech hoặc tiến hành mua bán - sáp nhập, khiến lĩnh vực này trở nên sôi động.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE