UBND huyện được quyết định giá đất cụ thể

Ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc uỷ quyền quyết định giá đất cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế của địa phương thực hiện uỷ quyền cho UBND cấp huyện:

Quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện làm chủ tịch hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp UBND cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để UBND cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể được uỷ quyền theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã uỷ quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình uỷ quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành.

Khung giá đất của Chính phủ lần đầu tiên được ban hành chính thức vào năm 1993 với Nghị định số 80/CP ngày 06/11/1993 và nay vẫn được áp dụng theo luật đất đai năm 2013.

Theo các chuyên gia, mặc dù khung giá đất từng là tiêu chuẩn phù hợp và là một biện pháp nhằm định giá đất, song hệ thống này đã không còn phù hợp với sự phát triển thị trường bất động sản và giá trị sử dụng đất hiện nay.

Trước đây, khung giá đất dùng làm căn cứ để các địa phương xây dựng bảng giá đất cho chu kỳ mỗi 5 năm. Đáng lưu ý là giá trong bảng giá đất này không cao hơn 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất nằm trong khung.

Do bị trần giới hạn như trên nên tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, bảng giá đất không phản ánh đúng giá thị trường, thường chỉ bằng 30-50% giá thị trường (ngay cả khi được điều chỉnh bằng hệ số K).

Hệ quả là tiền thu thuế khi tính giá chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã bị thất thoát. Quan trọng hơn, mặt bằng giá được dùng để tính chi phí bồi thường cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất thấp hơn đáng kể so với thị trường, dẫn đến hàng loạt khiếu kiện kéo dài.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ tại Điều 113 Luật Đất đai năm 2013 mà thay vào đó là quy định chi tiết nguyên tắc định giá đất tại Điều 163 Dự thảo, gồm:

- Theo mục đích sử dụng đất định giá;

- Theo thời hạn sử dụng đất;

- Phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường;

- Tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Ngoài ra, dự thảo cũng đã trao quyền nhiều hơn cho các địa phương trong xây dựng bảng giá đất sát với thực tiễn địa phương, cụ thể:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ thể có thẩm quyền xây dựng bảng giá đất. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân. Trong bước này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất, căn cứ vào kết quả của Hội đồng thẩm định thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua bảng giá đất.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất.

Theo Thời Đai

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE