Ứng dụng hẹn hò của CEO gốc Việt bị Shark chê “ngáo giá”

Định giá doanh nghiệp 147 triệu USD nhưng chưa có doanh thu, startup ứng dụng hẹn hò lớn thứ 2 tại Việt Nam ra về tay trắng tại Shark Tank.
Denise Sandquist (Trần Thanh Hương) - nhà điều hành và đồng sáng lập Fika
Denise Sandquist (Trần Thanh Hương) - nhà điều hành và đồng sáng lập Fika

Startup đến với Shark Tank tuần này là Denise Sandquist (tên tiếng Việt là Trần Thanh Hương) - nhà điều hành và đồng sáng lập Fika. Theo chia sẻ của Denise, Fika là trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò. Fika được sáng lập dựa trên cảm hứng khi Denise từ Thụy Điển về Việt Nam tìm mẹ và nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt.

Denise cho biết Fika ra mắt vào cuối năm 2020, hiện có 1,5 triệu lượt tải về và đang là ứng dụng hẹn hò lớn thứ 2 tại Việt Nam với hơn 100.000 người sử dụng hàng tháng. Đây là ứng dụng hẹn hò miễn phí tốt nhất trên nền tảng Google Play và đứng thứ 4 về ứng dụng đời sống trên nền tảng App Store tại Việt Nam.

Cô dẫn chứng có nhiều ứng dụng hẹn hò thành công với mô hình này như Tinder - ứng dụng hẹn hò lớn nhất thế giới, trong năm 2020 có doanh thu cao hơn những công ty như YouTube TikTok và Netflix, Bumble - ứng dụng hẹn hò hướng đến phái nữ trong năm qua đem về 8 tỷ USD, TanTan - ứng dụng hẹn hò được tạo ra bởi 2 doanh nhân người Hoa gốc Thụy Điển được bán với giá 680 triệu USD vào năm 2018, chỉ 3 năm sau khi được thành lập.

Denise thuyết trình trước các Shark

Denise thuyết trình trước các Shark

Nhận thấy cơ hội lớn đang chờ đón tại thị trường này, Denise cùng người đồng sáng lập Oscar phát triển ứng dụng Fika dựa trên đối tượng khách hàng là người châu Á và hướng đến phụ nữ với sự liên kết về chiêm tinh học, bài Tarot, kiểm tra tính cách và tích hợp cả trí tuệ nhân tạo và với 100% người dùng được xác thực. Vì vậy, cô mời các Shark đồng hành với con số 3 triệu USD cho 2% cổ phần với tham vọng trở thành kỳ lân công nghệ mới tiếp theo tại Việt Nam.

Shark Bình thắc mắc 100% người dùng được Fika xác thực bằng cách nào. Denise cho biết, Fika xác thực tất cả người dùng bằng phương cách thủ công với 40 nhân viên làm công việc xác minh này. Shark Bình nhận xét cách làm này không tối ưu vì có nhiều thuật toán trí tuệ nhân tạo tự động xác minh ảnh trên giấy tờ tùy thân hoặc hộ chiếu, hoặc một số phương pháp quét khuôn mặt theo thời gian thực.

Denise cho biết Fika gọi vốn được 1,6 triệu USD vào năm qua và công ty mong muốn tự phát triển công nghệ riêng. Phản đối ý kiến này, Shark Bình cho rằng có rất nhiều công ty trí tuệ nhân tạo có sẵn các thuật toán để xác minh, Fika không cần thiết phải tự tạo ra công nghệ riêng.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của Shark Bình về cơ cấu doanh thu, Denise cho biết Fika theo mô hình kinh doanh quảng cáo để tạo doanh thu và bên cạnh đó sẽ có thu phí đăng ký, ban đầu người dùng sẽ được sử dụng miễn phí, nhưng nếu muốn sử dụng các gói cao hơn, người dùng phải đăng ký và trả phí.

“Với những ứng dụng hẹn hò, tầm 10-15% người dùng thực đang trả tiền cho các gói đăng ký. Fika đưa ra mức 150.000 đồng/tháng và mức này thấp hơn Tinder tại Việt Nam. Giả sử Fika có 100.000 người dùng tích cực hàng tháng và 10% của con số đó là 10.000 người trả phí đăng ký. Tương đương 50.000 USD nhân cho 12 tháng. Đây là mô hình kinh doanh rất có lợi nhuận. Tôi và người đồng sáng lập thực hiện nghiên cứu vào năm 2020, Tinder kiếm được nhiều tiền hơn Netflix, Tiktok và YouTube. Vì vậy để thu phí đăng ký thực sự không khó”, Denise trình bày.

Trước thắc mắc của Shark Hùng Anh khi công ty chưa tạo ra doanh thu nhưng lại định giá công ty tương đương 150 triệu USD, Denise so sánh với những ứng dụng hẹn hò khác như Tinder và Bumble, có bội số hẹn hò từ 50-120 và liên quan đến lượt tải xuống của ứng dụng. “Nếu bạn có 1,5 triệu lượt tải xuống và nhân 10, kết quả là 150 triệu USD”, Densie giải thích cho cách tính định giá công ty.

“Vì vậy, 3 triệu USD không đủ ngay cả khi trở thành một công ty trí tuệ nhân tạo lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, với 30 triệu USD cho 20%, tôi có thể biến Fika trở thành một kỳ lân công nghệ tại Việt Nam”, Densie tự tin trình bày với các Shark.

Các Shark phản biện, đưa ra lời khuyên với Denise và Fika

Các Shark phản biện, đưa ra lời khuyên với Denise và Fika

Khi Shark Bình cảm thấy không thuyết phục vì các ứng dụng kia thực sự kiếm ra được doanh thu còn Fika thì chưa, Denise phản biện rằng Tinder mất 2 năm để tạo ra doanh thu, Facebook, YouTube và Twitter mất 3-5 năm không tạo ra doanh thu nên Fika không có nghĩa là sẽ không bao giờ có doanh thu. Cô cũng tiết lộ, chi phí thu hút khách hàng của Fika từ 3.000-8.000 đồng mỗi người dùng.

Trước nghi ngại của Shark Liên về việc nhiều phụ nữ lên app bị lừa tiền, lừa tình, Denise cho biết mỗi người dùng lên app Fika tìm người phù hợp sẽ có 3 bước gồm tìm hiểu mình là ai với các bài kiểm tra cá nhân, tìm hiểu mình muốn gì và thứ 3 là tìm được một người phù hợp nhất trong Fika, bằng công nghệ AI. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận, mình không thể kiểm tra một người có vợ hoặc có chồng lên ứng dụng hẹn hò này.

Shark Liên cho rằng “công ty chưa có gì” nên từ chối đầu tư vào Fika. Nhận thấy có nhiều lỗ hổng và rủi ro, Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư. Định giá công ty quá cao, mô hình kiếm tiền cũng không dễ, Shark Phú cũng quyết định không đầu tư.

Shark Hưng cho rằng Denise đến Shark Tank tương đối sớm vì Fika vừa hoàn tất và đang chưa có doanh thu, chưa có điều gì chắc chắn cho sự thành công. Vì vậy Shark Hưng cũng quyết định không đầu tư và khuyên Denise nên cần thêm một chút thời gian hoặc có thể tìm kiếm một nhà đầu tư thiên thần khác.

Shark Bình cho rằng việc định giá Fika chưa chuẩn

Shark Bình cho rằng việc định giá Fika chưa chuẩn

Về phía Shark Bình, ông tính toán ước chừng tổng chi phí thu hút khách hàng của Fika tầm 200.000 USD. Nếu đưa ra ước tính lợi nhuận 20 lần, Shark Bình tính toán định giá của Fika không hơn 4 triệu USD. Shark Bình cũng tiết lộ từng thẩm định một số ứng dụng hẹn hò và hầu hết biến mất sau một vài năm. Việc tìm kiếm người dùng, thu hút người dùng cho ứng dụng này rất đơn giản nhưng tạo ra được doanh thu từ đó là điều gần như không thể.

“Đây là một trong trong những lời đề nghị ngáo giá nhất tại Shark Tank Việt Nam từ trước đến nay trong suốt 5 mùa. Vì vậy tôi sẽ không đầu tư”, Shark Bình kết luận.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE