VARS: Khó khăn kéo dài như "mưa dầm thấm lâu" khiến toàn bộ thị trường bất động sản vẫn chìm trong khó khăn

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện thị trường bất động sản thiếu nguồn cung, sụt giảm nguồn cầu, khách hàng mất niềm tin vào thị trường dẫn đến không có giao dịch còn doanh nghiệp "đói vốn".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VARS: Khó khăn kéo dài như "mưa dầm thấm lâu" khiến toàn bộ thị trường bất động sản vẫn chìm trong khó khăn

Báo cáo chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố nhận định, năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018 (năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19); cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn.

Quý 1/2023 nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn.

"Kể từ năm đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân", VARS đưa ra nhận định.

Về nguồn cầu, theo đánh giá của VARS, thời gian qua, thị trường luôn trong trạng thái "thiếu vắng" khách hàng. Nguyên nhân bởi sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn, thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng.

Trong khi đó, niềm tin vào thị trường bất động sản của khách hàng ngày càng sụt giảm. Khó khăn trong việc vay vốn mua bất động sản; một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế chung.

"Thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu và niềm tin bị sụt giảm, khiến cho lượng giao dịch năm 2022 và quý 1/2023 đều có chiều hướng đi xuống", VARS đánh giá.

Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018.

Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1/2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Hai yếu tố mà VARS nhắc đến là "mất thị trường và thiếu dòng tiền". Cụ thể, thị trường truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án trên thị trường tại hầu hết các địa phương đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt. Đơn cử như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh... Trong tình hình kinh tế suy giảm, hiệu quả sử dụng và kinh doanh đặc biệt với bất động sản nghỉ dưỡng là rất thấp.

Những tháng cuối năm 2022, khi chính sách tín dụng bị thắt chặt, các kênh dẫn vốn đồng loạt bị tắc nghẽn khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án.

Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, tạo ra các cuộc đua lãi suất huy động khiến cho một lượng lớn tiền trong dân đổ dồn vào kênh ngân hàng thay vì chuyển vào đầu tư sản xuất kinh doanh (bao gồm thị trường bất động sản) khiến cho thị trường vốn dĩ đã khó khăn lại càng thêm ảm đạm.

Đặc biệt, các khó khăn, vướng mắc về pháp lý khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao, luẩn quẩn trong mớ bòng bong, không tìm ra lối thoát.

Mặc dù Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ. Tuy nhiên, các biện pháp này được cho là chưa đủ thấm để có thể giải quyết triệt để các tồn tại.

"Các khó khăn tác động đến thị trường bất động sản không được giải quyết triệt để trong một thời gian dài. Giống như “mưa dầm thấm lâu” dẫn đến kết quả toàn bộ thị trường chìm dần trong khó khăn", VARS nhận định.

Theo Nhịp sống thị trường

Đọc tiếp

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Chat với BizLIVE