Vì sao người dân Australia vẫn tiêu thụ mạnh nước đóng chai bất chấp giá bán cao nhất thế giới

Mặc dù giá cao hơn gần gấp đôi so với Bắc Mỹ cũng như châu Âu và gấp khoảng 4 lần so với giá ở châu Á và châu Phi, số tiền người dân Australia mua nước đóng chai cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Australia (Ốt-xtrây-li-a) là quốc gia có giá bán nước đóng chai đắt nhất thế giới, nhưng điều này không làm hạn chế sức tiêu thụ đối với loại sản phẩm mà lẽ ra mọi người có thể sử dụng miễn phí này.

Một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc cho biết trong năm 2021 trung bình mỗi người dân Australia chi khoảng 580 AUD (tương đương 386 USD) để mua 504 lít nước đóng chai. Đây là mức tiêu thụ bình quân theo đầu người cao thứ 2 thế giới, sau Singapore (Xin-ga-po).

Tuy nhiên, số tiền mà người dân Australia bỏ ra để mua nước đóng chai cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Báo cáo cho biết nước đóng chai ở Australia có giá trung bình cao gần gấp đôi so Bắc Mỹ cũng như châu Âu và cao gấp khoảng 4 lần so với giá ở châu Á và châu Phi.

Mặc dù vậy, thị trường Australia vẫn tồn tại và phát triển mạnh. Viện Nước, môi trường và sức khỏe thuộc Đại học Liên hợp quốc cho biết Australia là thị trường nước uống đóng chai nội địa phát triển nhanh thứ 10 trên thế giới.

Vậy tại sao người Australia sẵn sàng trả giá cao cho một sản phẩm có giá thấp hơn nước máy, loại nước chỉ có giá dưới 1 xu/lít nếu tính theo giá của công ty nước sạch Sydney Water?

Theo Hội đồng đồ uống của Australia, tổ chức đại diện cho ngành đồ uống không cồn với doanh thu 7 tỷ AUD/năm, câu trả lời chính là sự tiện lợi. Phát ngôn viên của hội đồng chia sẻ: “Phần lớn chúng tôi mua nước đóng chai khi chúng tôi đang trên đường đi đâu đó”.

Các nhà sản xuất nước đóng chai hiểu rõ điều này vì doanh số bán hàng của họ đã giảm mạnh trong thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19, không giống như rượu hay những đồ uống đóng sẵn là những sản phẩm mà mọi người vẫn tiêu thụ khi ở nhà.

Theo Hội đồng đồ uống của Australia, thị trường mặt hàng này năm ngoái đã đạt doanh thu 650 triệu AUD và có mức tăng trưởng khoảng 16%/năm, tương đương với mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cũng đồng nghĩa với việc hàng năm Australia cần phải xử lý thêm 16% lượng chai nhựa, tiêu thụ thêm 16% năng lượng để sản xuất chai mới hoặc tái chế chai cũ, đồng thời hoạt động vận tải cũng tăng thêm 16% trên toàn quốc.

Hội đồng trên cho biết nguyên nhân sản phẩm này có giá cao có thể là do người Australia có xu hướng uống nước khi đang di chuyển trên đường, nên họ thường mua hàng tại các cửa hàng tiện ích. Trong khi giá ở các cửa hàng này thường cao hơn so với các siêu thị lớn.

Giáo sư Stuart Khan - chuyên gia về chất lượng nước của Đại học New South Wales – nhận định thế giới sẽ “chìm trong rác thải nhựa” nếu không có sự thay đổi lớn về thói quen tiêu thụ các sản phẩm đồ nhựa. Ông cho rằng hầu hết người dân Australia có thể tiếp cận nguồn nước uống cực kỳ tốt, an toàn ngay từ vòi nước máy (“tap water”) và "nước đóng chai không hơn về chất lượng hay mang lại thêm lợi ích về sức khỏe cộng đồng".

Chủ tịch tổ chức tình nguyện Clean Up Australia, bà Pip Kiernan nhấn mạnh người Australia cần phải luôn lưu ý rằng 90% giá của một chai nước có thể xuất phát từ bình, nắp và nhãn chai. Bà khuyên rằng mọi người có thể tiết kiệm chi phí bằng cách tái sử dụng chai nước, uống nước ở vòi hoặc đổ đầy bình nước của mình tại các vòi nước công cộng.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE