Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, là nước G7 đầu tiên sớm nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế thị trường của Việt Nam…
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 21/9/1973, Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước, khi đã ở tầm chiến lược sâu rộng và không ngừng thúc đẩy các giá trị, không ngừng mở rộng các cơ hội mới để cùng hợp tác phát triển.

Nhìn lại quá trình 50 năm đó, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật (2015-2018) nhấn mạnh một điểm xuyên suốt: Nhật Bản đã có mặt ngay từ những ngày đầu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam và cho đến nay; nhiều giá trị hợp tác đã khẳng định và lan tỏa…

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường là vị đại sứ đầu tiên của Việt Nam đã đi thăm toàn bộ 47 tỉnh thành của Nhật Bản. Ông được gọi bằng tên thân mật là “Đại sứ xoài”, “Đại sứ thanh long”, khi gắn với các hoạt động quảng bá và xúc tiến hàng nông sản Việt tại Nhật.

GIÁ TRỊ VỐN ODA VỚI BA KHÂU ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC

Với người dân Việt Nam, trong quá trình hợp tác và phát triển, nhiều người ấn tượng về hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng của Nhật tại Việt Nam nhiều thập kỷ qua. Hoạt động này, theo Đại sứ, đã đóng vai trò như thế nào với sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam?

Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển G7 đã sớm đồng hành và liên tục hỗ trợ Việt Nam ngay từ những ngày đầu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam suốt hơn 30 năm qua. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên sớm nối lại Viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam vào năm 1992.

ODA của Nhật Bản tập trung vào ba lĩnh vực trọng yếu và cũng là ba khâu đột phá chiến lược của Việt Nam: thứ nhất là hoàn thiện thể chế và pháp luật, cải cách hành chính; thứ hai là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao và thứ ba chính là phát triển cơ sở hạ tầng kết nối.

Với sự hỗ trợ của Nhật bản, nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, chất lượng cao đã được xây dựng ở Việt Nam, đơn cử ở Hà Nội với các công trình biểu tượng như cầu Nhật Tân, đường kết nối từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, đường kết nối Vành đai 3 của thành phố…

Những công trình cải tạo, nâng cấp hay xây mới các cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam đã đóng góp trực tiếp vào việc phát triển kinh tế đất nước nói chung cũng như của từng địa phương Việt Nam nói riêng.

Việt Nam - Nhật Bản và những giá trị kết nối ảnh 1

Vâng, thưa Đại sứ, những công trình đó là điển hình cho sức chuyển đổi và mở rộng các giá trị trong phát triển kinh tế…

Trước khi sang nhận nhiệm kỳ tại Nhật, tôi có đi thăm Thái Nguyên. Trước khi có đường cao tốc nối với Hà Nội khoảng 60km, đầu tư nước ngoài vào Thái Nguyên ước tính chỉ vài chục triệu USD. Tuy nhiên ngay sau khi có cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, được xây dựng bằng vốn ODA của Nhật Bản, đầu tư nước ngoài vào Thái Nguyên đã nhanh chóng tăng lên hơn 10 tỷ USD, và song hành với các tập đoàn đa quốc gia đã có nhiều doanh nghiệp phụ trợ đến tỉnh này, tạo ra nhiều công ăn việc làm, ngân sách của tỉnh cũng tăng lên gấp nhiều lần. Tôi nghĩ đây là một ví dụ điển hình về tính hiệu quả của việc sử dụng ODA của Nhật Bản xây dựng các cơ sở hạ tầng có tính kết nối quan trọng của đất nước ta.

Tuy nhiên nếu chỉ nhìn ODA của Nhật Bản đóng góp vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam thôi thì theo tôi là chưa đủ. Chính phủ Nhật Bản đã xác định ba trụ cột của ODA dành cho Việt Nam.

Trụ cột thứ nhất là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế cho Việt Nam, đặc biệt thông qua việc hỗ trợ chính sách. Nhật và Việt Nam thông qua sáng kiến chung và hàng loạt kế hoạch hành động để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, không chỉ nhằm cho các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn hướng tới tất cả các doanh nghiệp nước ngoài khác nữa.

Trụ cột thứ hai là hỗ trợ trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam. Hai bên đã lập tổ công tác, Nhật Bản tham mưu, hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và triển khai chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từng giai đoạn cụ thể. Nhật Bản cũng tích cực hỗ trợ ta trong việc tăng cường quản trị nhà nước, cải cách pháp luật, cải cách hệ thống tư pháp, cải cách hành chính, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…

Trụ cột thứ ba là hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương, thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, nông nghiệp; hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và các chương trình phát triển y tế cộng đồng.

MỞ RA NHIỀU CƠ HỘI HỢP TÁC HƠN NỮA

Với tầm quan hệ đối tác chiến lược, giá trị hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản hẳn còn sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, với nhiều thành tựu nổi bật khác nữa, thưa Đại sứ?

Trước hết, nhìn từ góc độ ngoại giao, thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản chính là việc xây dựng được mối quan hệ tin cậy cao về chính trị. Lãnh đạo cả hai nước nhiều lần khẳng định điều này.

Nhìn lại, chúng ta thấy Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào năm 2009 và nay là đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên đã mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức (từ 1995 và gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015). Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản cũng lần đầu tiên có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam (năm 2017). Chủ tịch nước Việt Nam cũng đã có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Thủ tướng hai nước trao đổi các chuyến thăm có thể nói là hàng năm… Những chuyến thăm cấp cao đó đã tạo xung lực và định hướng cho quan hệ hai nước phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Trên cơ sở tin cậy cao về chính trị và ngoại giao, Nhật Bản và Việt Nam cũng đã thiết thực hỗ trợ nhau để tăng cường vai trò của từng nước trong khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam ủng hộ nhiều sáng kiến đối ngoại của Nhật trong khu vực và ở tầm toàn cầu. Chúng ta cũng đã nhiều lần công khai tuyên bố ủng hộ Nhật Bản làm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một khi hội đồng này được cải tổ. Phía Nhật đánh giá cao sự ủng hộ kiên định rất rõ ràng và công khai đó của Việt Nam.

Về phần mình, lãnh đạo Nhật Bản luôn tuyên bố đánh giá cao vai trò và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam đến tham dự hội nghị G7 mở rộng ở tỉnh Mie năm 2016. Tôi hy vọng là năm 2023 khi Nhật Bản là chủ nhà Hội nghị G7, Nhật Bản sẽ tiếp tục mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng một lần nữa.

Còn nhìn từ góc độ kinh tế, như trên tôi đã nêu, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên nối lại viện trợ phát triển cho Việt Nam và đã sát cánh hỗ trợ trong suốt tiến trình Đổi mới của Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế thị trường của Việt Nam vào năm 2011.

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam với tư cách là nước cung cấp ODA lớn nhất, chiếm tới gần 30% tổng số ODA của quốc tế dành cho Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước đầu tư lớn thứ hai, thứ ba vào Việt Nam; là đối tác du lịch lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Hai nước đều đang là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong khu vực là RCEP và CTTTP, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư hơn nữa giữa hai nước và với cả khu vực.

Việt Nam - Nhật Bản và những giá trị kết nối ảnh 2

Trong một thế giới có nhiều bất ổn và cả những xung đột, ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế - xã hội trên thế giới, trong khi độ mở hội nhập của Việt Nam ngày càng lớn, Đại sứ nói gì về bối cảnh này và giá trị của mối quan hệ lâu bền như Việt Nam với Nhật Bản?

Đúng là thế giới hiện nay đang đứng trước rất nhiều bất ổn cả về an ninh chính trị, về kinh tế, về y tế, môi trường…, và rất khó dự báo. Hòa bình, ổn định của nhiều khu vực, trong đó có khu vực của chúng ta vẫn đang có nhiều thách thức. Nguy cơ chiến tranh, xung đột vẫn hiện hữu, thậm chí lãnh đạo nhiều nước còn nói tới nguy cơ hạt nhân! Kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi chậm, một số nền kinh tế lớn được dự báo sẽ rơi vào suy thoái nhẹ trong năm tới. Quá trình toàn cầu hoá vẫn gặp nhiều rào cản. Đại dịch COVID-19 vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới công bố chấm dứt…

Trong bối cảnh đó, mặc dù còn rất nhiều khó khăn và thách thức, Việt Nam vẫn đang là một điểm sáng với việc duy trì được ổn định chính trị-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và đang lấy lại được đà phát triển GDP cao hàng đầu khu vực. Chúng ta kiên định với chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, chúng ta vẫn chủ động tạo lập được một môi trường xung quanh hòa bình và ổn định, vẫn duy trì và phát triển đuọc mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các đối tác, trong đó có Nhật Bản.

Tôi tin tưởng rằng những nền tảng vững chắc trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được xây dựng trong suốt 50 năm qua và với quyết tâm chính trị cao, quan hệ giữa hai nước sẽ có những cơ hội mới để phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Đại sứ.

Ngọc Diệp
Theo AP Vững vàng phía trước