VN-Index chưa hút lại tiền sau khi FED tăng lãi suất

Phần lớn các chỉ số chứng khoán châu Á đều không biến động tiêu cực sau khi FED tăng lãi suất. VN-Index dù giảm nhẹ nhưng biên độ cũng không đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VN-Index chưa hút lại tiền sau khi FED tăng lãi suất

VN-Index đang phản ứng khá lành mạnh sau khi FED tăng lãi suất. Vấn đề của thị trường vẫn chỉ là chưa có sự quay lại của dòng tiền.

Định vị thị trường

Phiên giảm điểm chứng khoán Mỹ xuất hiện ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất thêm 0,25%. Do S&P 500 đã tạo vùng đệm khá an toàn trong 2 phiên tăng điểm trước đó nên trạng thái giảm chỉ khiến chỉ số này lùi về đường MA200.

Tâm lý của nhà đầu tư châu Á cũng không bị xáo trộn với diễn biến trên. Các chỉ số châu Á chủ yếu biến động trong biên độ hẹp với khá nhiều chỉ số vẫn tăng giá như TWSE (+0,46%), CSI 300 (+0,36%), NIKKEI 225 (+0,36%). VN-Index dù quay đầu giảm điểm sáng nay nhưng biên độ cũng không đáng kể.

Chất xúc tác

Dòng tiền của nước ngoài vẫn đang có sự hiện diện chủ yếu của FUBON. Trong khi các quỹ ETF Mirae, Finlead, Diamond suy giảm quy mô, Fubon gia tăng quy mô thêm 8,1 triệu USD. Các quỹ ETF khác có trạng thái cân bằng và giữ nguyên quy mô.

Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài ở phiên hôm qua vẫn đạt gần 190 tỷ đồng. Theo thống kê của CTCK BIDV, thị trường Việt Nam cùng Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Đài Loan là điểm đến của dòng tiền ngoại.

Với dòng tiền trong nước, bên cạnh sự kiện lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xuống dưới 2% thì cũng cần lưu ý tới sự kiện 4 Ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vừa triển khai các gói tín dụng với tổng quy mô lên tới 370.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường. Đây là những biến số có thể giúp môi trường kinh tế "dễ thở" hơn trong thời gian tới.

Vận động nhóm ngành

Các câu chuyện về M&A đã được phát huy khá tốt với 2 trường hợp là VHM và VPB. Cả 2 cổ phiếu này đều đã có 2 phiên tăng giá khá tốt, riêng phiên hôm qua đã lần lượt tăng 4,96% và 3,19%. Trạng thái của VPB đã lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng còn VHM hiện cũng đã hồi phục 20% sau khi thủng cả đáy COVID-19.

Trong phiên sáng nay, VHM và VPB tạm thời chững lại và chưa tạo thêm động lực dẫn dắt cho chỉ số. Cũng cần phải lưu ý tới nguồn cung từ các vị thế chốt lời T+ trong chiều nay nên các diễn biến này có thể là một sự chuẩn bị.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu Ngân hàng như VCB (-80 tỷ đồng), CTG (-36,3 tỷ đồng) cũng đang bị khối ngoại bán ròng sáng nay làm cho thị trường thiếu đi các trợ lực. Rổ VN30 lúc này chỉ có 6 mã tăng so với 21 mã giảm giá.

Cả sàn cũng đang chịu sự lấn lướt của sắc đỏ, hiện 56% số mã trên HOSE đang giảm giá. Trạng thái tăng giá hoặc giao dịch cầm chừng đang xuất hiện ở số còn lại.

Một số mã khá cá biệt là PPC (+1,4%), VCI (+1,7%) trong đó PPC vừa có một phiên giảm sau khi tiếp tục bị HOSE đưa vào diện cảnh báo do có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán. Trong khi đó, VCI lại xuất hiện những kỳ vọng sẽ là nhà tư vấn cho thương vụ VPB với Sumitomo. Trong năm 2021, VCI đã thu được hơn 270 tỷ đồng từ hoạt động tư vấn với đóng góp đáng kể từ thương vụ bán FE Credit cho Sumitomo.

Mức tăng của VCI trong sáng nay dù chưa nhiều nhưng lại là tốt nhất trong nhóm Chứng khoán. Các cổ phiếu như SSI (+0,3%), HCM (+0,2%), VND (-0,3%) thực tế chỉ lình xình.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 0,44% xuống 1.036 điểm. Thanh khoản chỉ đạt 2.689,34 tỷ đồng. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM biến động trái chiều, giảm 1,12% và tăng 0,11%. HNX-Index có phần bị bóp méo do chịu tác động của các cổ phiếu kém thanh khoản là KSF (-4,3%) và THD (-4,5%).

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE