VNDIRECT: Tăng trưởng GDP cả năm có thể lên 7,7%, khả năng nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng không cao

VNDIRECT vừa công bố báo cáo chiến lược với những dự báo mới nhất về vĩ mô Việt Nam, trong đó nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7,7% từ mức 7,1% trước đó, chủ yếu để phản ánh dự báo cao hơn cho quý 3.
VNDIRECT cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào quý 3/2022 (Ảnh minh họa)
VNDIRECT cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào quý 3/2022 (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng GDP đạt đỉnh vào quý 3, áp lực lạm phát hạ nhiệt

VNDIRECT nâng dự báo tăng trưởng GDP quý 3/2022 của Việt Nam lên 13,1%, nhờ chính sách kích cầu của Chính phủ đã thúc đẩy tiêu dùng nội địa và du lịch phục hồi ấn tượng những tháng qua. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu trong nước phục hồi giúp gia tăng nhiều đơn đặt hàng mới.

VNDIRECT cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào quý 3/2022, sau đó hạ nhiệt trong quý 4 (dự báo tăng trưởng GDP quý 4 khoảng 5-6% so với cùng kỳ).

Năm 2023, VNDIRECT duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,9% so với cùng kỳ. Theo đó, triển vọng tăng trưởng thấp hơn là do các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể làm giảm triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng trong nước cùng với lãi suất tăng làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 như nguồn vốn đầu tư công dồi dào; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vững chắc và lượng khách du lịch quốc tế trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Song song đó, VNDIRECT cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rủi ro từ bên ngoài và trong nước trong những tháng tới, bao gồm chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed; chính sách Zero-COVID và những bất ổn gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc; đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và rủi ro lạm phát.

Về lạm phát, VNDIRECT tin tưởng Chính phủ có thể đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 dưới 4% so với cùng kỳ, do đó hạ dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam trong năm 2022 xuống còn 3,2%, thấp hơn mức dự phóng trước đó là 3,5% so với cùng kỳ.

“Việc điều chỉnh dự báo lạm phát lần này nhằm phản ánh xu hướng điều chỉnh của giá hàng hóa toàn cầu trong vài tháng qua và các biện pháp bình ổn lạm phát hiệu quả của Chính phủ được thực hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc cắt giảm thuế đối với các mặt hàng xăng dầu”, báo cáo của VNDIRECT cho biết.

Khả năng NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng không cao

Theo VNDIRECT, Ngân hàng nhà nước đang ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đồng thời duy trì lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi của nền kinh tế. Do đó, khả năng NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao.

“Ngày 7/9, NHNN thông báo đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM. Cụ thể, khoảng 15 ngân hàng đã được cấp thêm hạn ngạch tăng trưởng tín dụng trong lần điều chỉnh này với mức tăng nằm trong phạm vi 0,7-4,0%. Chúng tôi ước tính rằng khoảng 279 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bổ sung cho nền kinh tế trong 4 tháng tới, tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%”, báo cáo của VNDIRECT cho biết.

Cũng theo VNDIRECT, đà giảm của giá hàng hóa thế giới và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép NHNN tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quyết liệt sử dụng chính sách tài khóa để san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ trong mục tiêu quan trọng là “kiềm chế lạm phát” thông qua việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng thiết yếu (điển hình là xăng dầu).

“Do đó, NHNN có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Trong trường hợp NHNN tăng lãi suất điều hành trong năm nay, mức tăng sẽ hạn chế trong khoảng 0,25-0,5%”, VNDIRECT dự báo.

Tỷ giá sẽ vẫn chịu áp lực

USD mạnh hơn đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, Việt Nam Đồng vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 8/9/2022), hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 4% so với USD, bao gồm Peso Philippines (-11,4% so với đô la Mỹ), Baht Thái Lan (-9,9% so với đô la Mỹ), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-9,5% so với đô la Mỹ), Ringgit Malaysia (-8,1% so với đô la Mỹ) và Rupiah Indonesia (-4,5% so với Đô la Mỹ).

“Tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, tăng thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).

Do đó, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ duy trì trong khoảng 23,300-23,500 vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng không quá 3% so với cuối năm 2021”, chuyên gia VNDIRECT cho biết.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE