Vụ gần 100 container xuất khẩu điều gặp rủi ro qua góc nhìn của người nhiều năm trong nghề

"Tất cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đều có hệ thống thanh toán riêng, và khi đã trở thành một chuẩn mực thì khả năng bọn lừa đảo xâm nhập để làm bậy là không có"...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về vụ 05 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Ý có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD, Văn phòng Chính phủ vừa có công điện gửi các bộ yêu cầu tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong công điện gửi các bộ, ngành liên quan ông Trần Văn Sơn – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, về vụ việc này Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp – phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế; Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Như BizLIVE đã thông tin trước đó, việc 05 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Ý có dấu hiệu nghi lừa đảo, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó chủ tịch VINACAS cho biết đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Theo đó, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với một số khách hàng Ý thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu hạt điều sang Ý. Hàng được chỉ định đến cảng Genoa và cảng La Spezia bên Ý, và do các hãng tàu Cosco; Yangming; HMM và hãng ONE vận chuyển.

Tính đến chiều ngày 09/3/2022, còn lại 36 bộ chứng từ của 36 container bị “mất kiểm soát” của 05 doanh nghiệp và ngân hàng.

“Mua có bạn, bán có phường” và độ tin cậy cao sẽ giảm thiểu rủi ro

Trao đổi với BizLIVE, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group cho biết, mọi rủi ro trong thanh toán đều có thể xảy ra cho dù thanh toán L/C hay toán nhờ thu qua ngân hàng (D/P), và thanh toán L/C hay D/P đều đúng.

Nhưng nếu bộ chứng từ gốc được gửi qua ngân hàng Việt Nam và từ ngân hàng Việt Nam đi tới ngân hàng đối tác thì sẽ an toàn hơn. Ở đây lại chọn gửi bộ chứng gốc qua DHL mà gửi qua DHL có gì đảm bảo là trong quá trình vận chuyển thư không bị ai đó bóc ra? Và câu chuyện đã sai từ việc gửi bộ chứng từ gốc vì đã tạo điều kiện cho bên lừa đảo.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp nhiều năm chuyên xuất nhập khẩu này, để giảm bớt rủi ro trong thanh toán quốc tế, doanh nghiệp cần phải rà soát lại ngân hàng bên đối tác xem có phải là ngân hàng chuẩn và có đủ uy tín hay không, cùng với đó là quy trình chuẩn của ngành hàng mà doanh nghiệp đó đang kinh doanh.

Theo ông Nam, tất cả những doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đều có hệ thống thanh toán riêng, và khi đã trở thành một chuẩn mực thì khả năng bọn lừa đảo xâm nhập để làm bậy là không có. Muốn được như vậy chỉ có một biện pháp duy nhất là nên “mua có bạn, bán có phường”, và tất cả các doanh nghiệp đó phải có một chuẩn mực đó là “độ tin cậy của khách hàng”. Chỉ có như vậy mới đảm bảo còn tất cả đều có thể bị lừa ngay cả thanh toán L/G.

Mỗi ngành hàng đều có tập quán, phương thức kinh doanh riêng

Cũng theo ông Nam, nhìn chung, những khách hàng lớn thường không mắc những lỗi như thế này. Bởi vì ngay từ đầu họ đã xây dựng một hệ thống, một quy trình chuẩn để bất kỳ hình thức nào, bất kỳ hành vi nào mà trái với các quy trình chuẩn này đều bị phát hiện ngay.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group cho rằng trong trường hợp của các doanh nghiệp điều, có 02 lỗi lớn, đó là thiếu kinh nghiệm và hàng cần bán. Vấn đề này đã xảy ra ở nhiều mặt hàng nông sản, nhất là mặt hàng gạo.

Trước đây, có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc, trong đó 10 doanh nghiệp thì có đến 09 doanh nghiệp bị lừa đối tác Trung Quốc lừa mất tiền có cả INTIMEX, sau đó tập đoàn rút kinh nghiệm là chỉ xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc.

“Để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có thể tránh được những rủi ro nên ưu tiên giao dịch với khách hàng quen và nên “mua có bạn, bán có phường”. Đối với khách hàng mới mà buôn bán qua công ty môi giới thì càng phải cẩn thận hơn.

Trước đây, khi INTIMEX mua thiết bị máy móc của doanh nghiệp nước ngoài họ yêu cầu phải mở L/C tại một ngân hàng nổi tiếng ở Việt Nam (như Vietcombank, BIDV, Agribank… ) và phải được ngân hàng bên người bán chấp nhận. Người mở L/C phải được ngân hàng uy tín của nước họ bảo lãnh. Trong các giao dịch đối tác thường hay cài cắm yêu cầu này, vì ngay cả thanh toán L/C cũng bị lừa đảo.

Mỗi ngành hàng đều có tập quán, phương thức kinh doanh riêng của từng ngành hàng và cách thanh toán riêng. Đặc biệt là khi mua bán không trực tiếp thì phải cẩn thận hơn”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group chia sẻ kinh nghiệm.

MỘT SỐ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN SỰ VIỆC

Đối với các bộ chứng từ gửi tới ngân hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ

Theo hướng dẫn của người mua hàng, nhà xuất khẩu nộp hồ sơ gốc bao gồm cả vận đơn đường biển bản gốc cho ngân hàng tại Việt Nam để nhờ thu tiền bán hàng. Ngân hàng tại Việt Nam đã gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng thanh toán tại Thổ Nhĩ Kỳ của người mua qua dịch vụ phát chuyển phát nhanh DHL.

Sau khi ngân hàng phía Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bộ chứng từ gốc từ DHL thì họ thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng người mua không phải khách hàng của họ, và họ đã gởi trả lại bộ chứng từ cho phía ngân hàng Việt Nam.

Khi ngân hàng Việt Nam tra soát với công ty DHL về tình trạng giao phát theo số AWB do ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thì được phản hồi rằng số AWB này không liên quan gì đến ngân hàng Việt Nam.

Đối với các bộ chứng từ gửi đến các ngân hàng tại Ý.

Các ngân hàng bên Ý đều thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ từ DHL nhưng là các bản photocopy không phải bản gốc; hoặc có trường hợp là giấy trắng.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE