Vực dậy từ đáy, nhiều "siêu cổ phiếu" hồi phục hơn 100%, L14 còn tăng gần gấp 3

Những “siêu cổ phiếu” một thời như L14, CEO hay các cổ phiếu “họ” Apec đều tăng gấp đôi so với mức đáy hôm 15/11. Đây cũng là những mã cổ phiếu đã chiết khấu sâu đến 80-90% trong giai đoạn biến động của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau phiên đảo chiều ngoạn mục từ vùng giá thấp vào 16/11, thị trường chứng khoán Việt Nam đã duy trì đà hồi phục khá tốt trong nửa cuối tháng 11, đặc biệt, trong 5 phiên gần đây VN-Index đã liên tục tăng điểm và khép lại tháng 11 ở 1.048 điểm. Nếu tính từ thời điểm nhúng về vùng 880 điểm, VN-Index đã lấy lại 168 điểm, tương đương mức tăng hơn 19%.

Trạng thái phục hồi được ghi nhận trên diện rộng với hàng trăm mã tăng giá mỗi phiên và ở phiên cuối cùng của tháng 11, sàn HOSE có 350 mã tăng, trong đó rổ VN30 có 25 mã tăng. Chỉ số VN-Index tăng 1,58% và VN30 đóng cửa tăng 1,96%.

Bên cạnh sự khởi sắc của thị trường chung, một loạt “siêu cổ phiếu” một thời như L14, CEO hay các cổ phiếu “họ” Apec hoặc một số cổ phiếu riêng lẻ như G36, CSC đều tăng gấp đôi so với mức đáy hôm 15/11. Đây cũng là những mã cổ phiếu đã chiết khấu sâu đến 80-90% trong giai đoạn sụt giảm trước đó. Cho nên việc hồi phục mạnh từ đáy cũng không quá khó hiểu.

Trong số những mã cổ phiếu bật tăng mạnh từ đáy, cái tên đầu tiên phải kể đến là L14 của CTCP LICOGI 14. Kết phiên 30/11, cổ phiếu L14 đã có 11 phiên tăng trần liên tiếp với mức tăng lên tới 181,4% so với mức đáy 18.300 đồng/cổ phiếu (phiên 15/11) để leo lên mức 51.500 đồng. Tuy nhiên, so với mức đỉnh hồi đầu năm, thị giá L14 vẫn “bốc hơi” 86%.

Thị giá cổ phiếu L14 đã tăng tới 181,4% sau 11 phiên tăng trần liên tiếp
Thị giá cổ phiếu L14 đã tăng tới 181,4% sau 11 phiên tăng trần liên tiếp

Thời gian vừa qua, L14 gây chú ý khi là một trong những mã cổ phiếu “tăng sốc, giảm sâu” nhất thị trường. Vào tháng 11/2021, L14 nhận được nhiều sự chú ý khi "phi" một mạch từ mức 78.260 đồng (1/10/2021) lên 209.290 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 1 tháng. Sau tháng 12/2021 giao dịch ở vùng 2xx.000 đồng/cổ phiếu, những ngày đầu tháng 1/2022 cổ phiếu L14 đã nhanh chóng chinh phục mốc 300.000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục tăng mạnh lên mức 440.000 đồng/cổ phiếu, thiết lập mức giá cổ phiếu cao nhất trên 3 sàn vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, khi con sóng nhà đất qua đi cộng thêm những thông tin bất lợi liên quan đến thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu… thị giá cổ phiếu L14 đã lao dốc hơn 96% so với mức đỉnh trước khi có chuỗi phiên phục hồi mạnh gần đây.

Lý giải về chuỗi tăng kịch trần liên tiếp của cổ phiếu L14, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường, không có biến động nào đặc biệt. Việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, do cung cầu của thị trường, việc mua bán cổ phiếu do nhà đầu tư đầu tư quyết định, phụ thuộc vào tâm lý, cảm xúc của nhà đầu tư trong từng giai đoạn của thị trường chứng khoán.

Trong văn bản giải trình trước đó, L14 cũng khẳng định công ty không bao giờ có tác động làm biến động tăng, giảm cổ phiếu khiến ảnh hưởng đến thị trường, lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và quyền lợi của nhà đầu tư.

Tương tự, chỉ trong 11 phiên gần đây, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O đã có 10 phiên tăng hết biên độ, qua đó bật tăng mạnh gần 125% từ mức 8.100 đồng/cổ phiếu lên 18.200 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, mức giá này vẫn còn cách đỉnh hồi đầu năm gần 80%.

Sau 10/11 phiên gần đây tăng trần, cổ phiếu CEO vẫn cách đỉnh 80%
Sau 10/11 phiên gần đây tăng trần, cổ phiếu CEO vẫn cách đỉnh 80%

Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, chỉ trong 2 tháng cuối năm, thị giá cổ phiếu CEO đã tăng gấp 8 lần lên 9x.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, cũng như L14, sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu CEO bắt đầu chuỗi phiên cắm đầu giảm hơn 91% còn 8.100 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 15/11) trước khi bật tăng trở lại.

Cũng ghi nhận mức tăng ba chữ số từ đáy còn có bộ ba cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Apec gồm APS của Chứng khoán Apec, API của Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương và IDJ của Đầu tư IDJ. Trong nửa cuối năm 2021 bộ ba này cũng từng gây chú ý bởi chuỗi tăng giá tính bằng lần lên mức đỉnh lịch sử, sau đó đồng loạt giảm 80-90% giá trị.

Sau khi trôi về đáy hơn hai năm, những cổ phiếu này bắt đầu dậy sóng những phiên gần đây với chuỗi 10 phiên tăng trần. Theo đó, sau khi xác lập đáy ở 4.400 đồng/cổ phiếu (phiên 15/11), cổ phiếu IDJ đã tăng tới 114% lên 9.400 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, API, APS cũng đồng loạt phục hồi hơn 120% chỉ sau 11 phiên giao dịch.

Bộ ba cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Apec đồng loạt phục hồi hơn 100% chỉ sau 11 phiên giao dịch
Bộ ba cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Apec đồng loạt phục hồi hơn 100% chỉ sau 11 phiên giao dịch

Không “gây nhiều sóng gió” như các cổ phiếu trên, song cổ phiếu CSC của CTCP Contana cũng “nổi sóng” trong những phiên gần đây với 8/11 phiên tăng trần. Dù có điều chỉnh trong hai phiên 29/11 và 30/11 về 48.000 đồng/cổ phiếu nhưng so mức đáy hôm 15/11, cổ phiếu CSC cũng đã tăng gần gấp đôi. Tuy vậy, so với mức đỉnh 130.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm ngoái, thị giá cổ phiếu CSC vẫn giảm 63%.

Cũng chứng kiến mức hồi phục hơn 100% chỉ trong chục phiên gần đây còn có cổ phiếu G36 của Tổng công ty 36. Từ mức đỉnh 26.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, cổ phiếu G36 đã liên tục giảm gần 88% về mức giá chưa bằng cốc trà đá (3.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên 15/11) trước khi chứng kiến 10/11 phiên tăng, trong đó có 5 phiên tăng hết biên độ về lại vùng giá 6.700 đồng/cổ phiếu. Dù tăng vượt trội từ đáy, nhưng G36 cũng mới chỉ đi được 1/4 chặng đường hồi phục nếu so với mức đỉnh hồi đầu năm.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Chat với BizLIVE