WB nêu những rủi ro ngoại lai và nội tại lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt

Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn...
WB công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam ngày 8/8
WB công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam ngày 8/8

Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022. Lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% trong năm nay.

Đó là những điểm nhấn chính trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày hôm nay (8/8).

Vững vàng đối đầu với nhiều rủi ro toàn cầu

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý 4/2021, 5,1% trong quý 1/2022 và 7,7% trong quý 2/2022 khi mà người tiêu dùng thỏa mãn những yêu cầu dồn nén trước đó và số lượng khách quốc tế gia tăng, theo báo cáo “Điểm lại: Giáo dục để tăng trưởng", cập nhật triển vọng kinh tế được công bố sáu tháng một lần của WB cho Việt Nam.

Tuy nhiên triển vọng tích cực trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi. Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam, cú sốc về cung liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine gây ra nhiều ảnh hưởng nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tương đối vững vàng. Việt Nam vẫn phải đương đầu với rủi ro lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu hụt lao động, ngoài ra là tâm lý lo ngại về các biến chủng mới của COVID-19 gây ra các đợt dịch cản trở sự phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Nếu kịch bản trên xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với nhiều cú sốc và sự bất định gia tăng, kinh tế Việt Nam dù vậy vẫn phục hồi, nhưng chủ yếu trong dịch vụ, bán lẻ, cầu của người dân tăng trưởng mạnh giúp mang đến động lực tăng trưởng tốt cho nền kinh tế.

Cùng với rủi ro trong nước cũng như trên toàn cầu, WB cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm giảm thiểu tác dụng của những rủi ro trên.

Cụ thể, Việt Nam cần có lực lượng lao động có kỹ năng nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế để trở thành nền kinh tế số phát triển năng động, lấy tri thức và kỹ năng làm động lực tăng trưởng. Số năm học tập bình quân tại Việt Nam hiện là 12 năm, chỉ đứng thứ 2 trong ASEAN sau Singapore.

Tuy nhiên theo bà Turk, khi nói đến giáo dục sau phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục dạy nghề, số liệu không lạc quan như mong muốn. Nhiều người lao động làm chủ yếu các công việc phổ thông, doanh nghiệp trong khi đó phàn nàn về khó tuyển lao động kỹ năng lãnh đạo và quản lý. 54% doanh nghiệp thiếu lao động kỹ năng cảm xúc xã hội và 64% doanh nghiệp phàn nàn thiếu kỹ năng công nghệ kỹ thuật.

Về chất lượng lao động, theo số liệu của bà Turk cung cấp, ở thời điểm năm 2019, Việt Nam đứng thứ 3 từ dưới lên trong số hơn 140 quốc gia được khảo sát về kỹ năng của lao động. Hiện tại Việt Nam có 2 triệu sinh viên được tuyển vào các cơ sở học tập sau phổ thông. Để tăng số lượng lao động phù hợp phục vụ cho mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao thì con số này cần phải tăng ít nhất gấp đôi trong vòng vài năm tới.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, bà Dorsati Madani chỉ ra rủi ro toàn cầu mà Việt Nam đang phải đối đầu rất nhiều, nổi bật cũng có thể kể đến các biện pháp hạn chế đi lại mà chính phủ Trung Quốc áp dụng gây ra nhiều tác động không những đến Trung Quốc mà cả chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong nước, xuất khẩu chững lại tại nhiều thị trường chính. 75% hàng xuất khẩu của Việt Nam đi tới các thị trường xuất khẩu chủ đạo, lạm phát cao khiến cho chi phí đầu vào leo thang. Với nhiều cú sốc và sự bất định gia tăng, kinh tế Việt Nam dù vậy vẫn phục hồi, nhưng chủ yếu trong dịch vụ, bán lẻ, cầu của người dân tăng trưởng mạnh giúp mang đến động lực tăng trưởng tốt cho nền kinh tế.

Bà Madani nhận xét lạm phát vốn là mối quan ngại, nhưng đến cuối tháng 6/2022, lạm phát mới chỉ ở mức 3,4%, có thể thấy kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc. Trong tháng 6/2022, lạm phát vẫn ở mức kiểm soát, lạm phát thực phẩm hơn 2%. Tăng trưởng tín dụng 16% ghi nhận trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế không đồng đều ở các khu vực và khủng hoảng vẫn để lại những “vết sẹo” lâu dài. Nguồn cung đầu vào tiếp tục gián đoạn, nhiều hộ gia đình dù thu nhập cải thiện nhưng vẫn chịu tác động nặng nề do tàn dư của dịch COVID-19.

Trong khảo sát hộ gia đình gần nhất, thì khoảng 1/4 hộ gia đình ở khu vực thành thị cho biết thu nhập của họ tháng 4/2022 vẫn chưa phục hồi bằng tháng 4/2021.

Tình trạng thiếu hụt lao động gây khó khăn cho doanh nghiệp, nếu điều này tiếp tục sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên các con số ấn tượng của tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm cũng từ do cái nền rất thấp của cùng kỳ năm trước, bà Madani nhấn mạnh.

Gia tăng bất định từ bên ngoài trong ngắn hạn

Trong cuối năm nay và sang năm sau, kinh tế tiếp tục có triển vọng tích cực. Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể lên 7,5%, sau đó 6,7% trong năm 2023 và 6,5% vào năm 2024 và như vậy chính thức trở lại trạng thái bình thường. Sự đóng góp của ngành dịch vụ trong nền kinh tế sẽ lớn dần, thay cho ngành chế biến chế tạo.

Áp lực lạm phát vẫn duy trì trong thời gian cuối năm nay và sang năm tới, phụ thuộc vào diễn biến giá, nguyên liệu và diễn biến hàng hóa cuối cùng. Sau đó, áp lực lạm phát sẽ giảm dần.

Việc chính sách tiền tệ bị thắt chặt tại nhiều nước phát triển cũng tạo ra không ít rủi ro với Việt Nam, làm gia tăng bất định trong ngắn hạn và có thể dẫn đến những biến đổi cơ cấu. Chính phủ của không ít nền kinh tế cũng sẽ phải cân nhắc lại về lợi ích của toàn cầu hóa, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đang đối mặt với vấn đề nợ xấu và chất lượng tài sản ngân hàng xấu đi.

Bốn khuyến nghị chính sách WB đưa ra, bao gồm: quan điểm chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ hơn; chính sách tiền tệ linh hoạt; chủ động tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng và thực hiện cải cách cơ cấu.

Nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động. Nhờ vậy Việt Nam có thể phòng ngừa được rủi ro giảm tăng trưởng, tuy nhiên ách tắc trong triển khai thủ tục hành chính và ngân sách chưa được giải quyết như mong muốn. Cần tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực như kinh tế xanh, số hóa, nguồn lực dự kiến cũng sẽ chiếm tỷ lệ cao trong chi tiêu của chính phủ. Ngoài ra, cần mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu cho đối tượng cần hỗ trợ nhất để các hộ gia đình có thể chống đỡ được các cú sốc.

Bà Madani nhận xét hiện nay lạm phát cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, nền kinh tế như vậy vẫn dưới mức tiềm năng. Chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn phù hợp ở hiện tại.

Tuy nhiên nếu áp lực tăng lạm phát thành hiện thực khi mà lạm phát cơ bản gia tăng và lạm phát toàn phần vượt quá chỉ tiêu 4% mà chính phủ đề ra thì các cơ quan chức năng cần tính đến thắt chặt tiền tệ và thanh khoản. Nếu làm như vậy, WB khuyến nghị cần truyền thông rõ ràng để thị trường được thông tin đầy đủ tránh cú sốc trong nền kinh tế.

Đối với quản lý khu vực tài chính, việc quản lý một cách chủ động, tỉnh táo, linh hoạt là hoàn toàn cần thiết. Việt Nam đang đối mặt với vấn đề nợ xấu và chất lượng tài sản ngân hàng xấu đi.

Chất lượng tài sản ngân hàng cần phải được giám sát an toàn và minh bạch, công tác dự phòng nợ xấu cần phải được ổn định. Với những ngân hàng cần tái vốn hóa thì cần phải có lộ trình cụ thể. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế xử lý khả năng mất năng lực trả nợ của doanh nghiệp, bà Madani chia sẻ quan điểm.

Chính phủ có thể cân nhắc áp thêm sắc thuế mới như thuế các bon, cải thiện công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu suất chi tiêu với đầu tư công. Hành lang pháp lý cần phải tiếp tục được cải thiện để nâng cao hiệu quả của môi trường đầu tư kinh doanh.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE