Xăng giảm, giá hàng hóa vẫn neo cao: "Không thể điều chỉnh trễ hàng tháng được!"

Chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng vì kiến nghị nhiều mà không được xử lý.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh: VGP
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh: VGP

Giá hàng hóa giảm do độ trễ là chưa thuyết phục

Tính đến thời điểm hiện tại khi giá xăng, dầu đã giảm lần thứ 4 liên tiếp thì nhiều mặt hàng vẫn điềm nhiên giữ giá, neo cao. Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần và lần này cũng không ngoại lệ.

Tại Tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 4/8, trả lời về nguyên nhân của thực trạng này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho biết, trước tiên là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm cần có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh tác động trực tiếp đến giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.

Đồng tình về nguyên nhân do độ trễ của giá cả trên thị trường, tuy nhiên Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng cũng có một số nguyên nhân khác.

"Thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì họ lại sợ rằng sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình. Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống". Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay", ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Theo ông Cấn Văn Lực, các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân sẽ cảm thấy nản lòng vì kiến nghị nhiều mà không được xử lý.

Hạn chế tình trạng "té nước theo mưa"

Theo ông Cấn Văn Lực, để hạn chế câu chuyện giá xăng giảm mà giá hàng hóa vẫn tăng cao thì cần tính đến 2 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, là đồng bộ các giải pháp. Không phản ứng thái quá về câu chuyện giá cả vì đó là thị trường.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải làm rõ giá lên ở khâu nào, khâu trung gian của nước ta trong giá cả hàng hoá hiện đang rất cao và thiếu minh bạch nên nhiều khi nhà cung ứng giảm giá nhưng người dùng vẫn không được hưởng.

Vị chuyên gia này cũng nhận định, sự thiếu công khai, minh bạch còn dẫn đến tình trạng chung chi, nhũng nhiễu. Nhân cơ hội này, cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để tăng tính công khai, minh bạch.

Một điểm nữa, ông Cấn Văn lực chỉ ra rằng không nên quá sợ hãi với lạm phát, vì nếu sợ hãi, “té nước theo mưa” chúng ta sẽ không làm được gì cả, nền kinh tế sẽ càng đình trệ.

Bổ sung thêm, Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng việc tăng giảm giá trong cơ chế thị trường là tất nhiên. Có lẽ sắp tới chúng ta gặp rất nhiều việc như thế này. Chúng ta nói nhiều đến cải cách hành chính, thì chúng ta phải cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh lên, vừa đáp ứng cái chung cho xã hội nhưng đồng thời thuận tiện cho đơn vị. Rõ ràng chúng ta đáp ứng được mong mỏi của người tiêu dùng, nên có sự đồng bộ hơn.

Theo chuyên gia Vũ Minh Phú, phải chấp nhận thời kỳ xáo động lên - xuống vì chúng ta còn phụ thuộc vào xăng dầu, chưa hoàn toàn chủ động về xăng dầu, vấn đề dự trữ của chúng ta còn rất thấp.

Về phía doanh nghiệp cần có sự chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng chứ không nên trục lợi, tranh thủ cơ hội kiếm lời, chỉ có như vậy mới có sự phát triển bền lâu.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE