Xuất khẩu cà phê tăng mạnh, Nhật Bản tăng mua và Trung Quốc nới phong tỏa

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh 5 tháng đầu năm, giá tăng lên, Nhật Bản tăng mua trong khi Trung Quốc dần nới lỏng phong tỏa phòng chống dịch. Nhưng, lạm phát nổi lên và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu...
5 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu cà phê của Việt Nam - nhà sản xuất cà phê Robusta nhiều nhất thế giới, ước tính tăng 54% so với một năm trước lên 2 tỷ USD
5 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu cà phê của Việt Nam - nhà sản xuất cà phê Robusta nhiều nhất thế giới, ước tính tăng 54% so với một năm trước lên 2 tỷ USD

Giữa tháng 5, sức mua từ giới đầu cơ, sương giá tại vùng trồng cà phê Brazil là 2 yếu tố chính giúp giá cà phê thế giới phục hồi, nhờ vậy, giá cà phê Robusta nội địa có xu hướng phục hồi theo.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, ngày 18/5/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 1.000 đồng/kg so với ngày 9/5/2022, lên mức cao nhất 42.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk và mức thấp nhất là 41.400 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng.

Khó duy trì mức tăng ổn định thời gian tới

Trong tuần qua (từ ngày 23 – 28/5), thị trường cà phê biến động trái chiều song nhìn chung có xu hướng đi lên. Các tỉnh, thành ghi nhận mức tăng 900 đồng/kg so với đầu tuần.

Ngày 30/5, giá cà phê được giao dịch trong khoảng 41.400 - 42.000 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm trong nước. Trong phiên sáng 30/5, giá cà phê kỳ hạn trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 10 USD, xuống 2.197 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 13 USD, còn 2.096 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối đà hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 2,85 cent, lên 229,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 2,90 cent, lên 2219,70 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Theo các nhà phân tích, ngoài sức mua từ giới đầu cơ và sương giá tại vùng trồng cà phê Brazil khiến giá cà phê tăng, thì việc Trung Quốc dần nới lỏng và dự kiến sẽ bỏ phong tỏa Thượng Hải đã tác động tích cực lên hầu hết thị trường hàng hóa nguyên liệu nói chung. Tuy nhiên, giao dịch vẫn đang ở mức thận trọng do giới đầu cơ còn lo ngại rủi ro tăng trưởng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hàng hóa.

Xung đột địa chính trị ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế thế giới và khiến lạm phát gia tăng, lãi suất tiền tệ gia tăng ở các nền kinh tế phát triển. Giá cả hàng hóa có xu hướng tăng khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Do đó, giá cà phê thế giới nhiều khả năng sẽ không duy trì mức tăng ổn định trong thời gian tới.

Trong báo cáo thị trường cà phê mới nhất, Rabobank dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ chuyển sang dư thừa 1,7 triệu bao trong niên vụ 2022/2023, từ mức thiếu hụt 5,1 triệu bao trong niên vụ 2021/2022.

Xuất khẩu cà phê tăng 54%, Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2022 ước tính đạt 150.000 tấn, tăng 15,2% so với tháng 5/2021, trị giá 343 triệu USD.

Cộng dồn 5 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu cà phê của Việt Nam - nhà sản xuất cà phê Robusta nhiều nhất thế giới, ước tính tăng 54% so với một năm trước lên 2 tỷ USD trong giai đoạn 5 tháng.

Cục XNK cho biết, tháng 4/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 10,54 nghìn tấn, trị giá 25,9 triệu USD, tăng 39,8% về lượng và tăng 61,8% về trị giá so với tháng 4/2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 2.458 USD/tấn, tăng 2,8% so với tháng 3/2022 và tăng 15,8% so với tháng 4/2021.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 45,14 nghìn tấn, trị giá 110,13 triệu USD, tăng 13,4% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt mức 2.440 USD/tấn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam trong quý 1/2022 đạt 35,54 nghìn tấn, trị giá 70,75 triệu USD, tăng 32,2% về lượng và tăng 91% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang thị trường Nhật Bản đạt 30,31 nghìn tấn, trị giá 61,8 triệu USD, tăng 6,7% về lượng và tăng 36,6% về trị giá so với quý 1/2021. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang Nhật Bản chiếm 73,48% tổng trị giá trong quý 1/2022, thấp hơn so với tỷ trọng 75,8% trong quý I/2021.

Đáng chú ý, Việt Nam cũng tăng mạnh xuất khẩu cà phê chế biến sang Nhật Bản, mức tăng 63,6% so với quý 1/2021, đạt 16,3 triệu USD. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến sang Nhật Bản chiếm 19,38% tổng trị giá trong quý 1/2022, cao hơn so với tỷ trọng 16,93% trong quý 1/2021.

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 24,35% trong quý 1/2021 lên 30,32% trong quý 1/2022. Trong thời gian này, Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Ethiopia, nhưng giảm nhập khẩu từ các thị trường Brazil, Colombia.

Theo công ty phân tích GlobalData (công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh), thị trường cà phê nóng của Nhật Bản được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,2% trong giai đoạn 2020 –2025.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE