Xuất khẩu giảm tốc: Những thực tế đã không còn là dự báo

Kể từ đầu tháng 7/2022, nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ sụt giảm do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến nay, nỗi lo này không còn là dự báo. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước.

Thực tế đã hiện hữu

Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đồ gỗ hoạt động tương đối ổn định; nhưng kể từ đầu tháng 7 các đơn hàng xuất khẩu dần giảm sút cho đến nay.

Về nguyên nhân nhân, theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), sự suy giảm này chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh; trong khi các các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh…

“Do lạm phát tăng cao, người tiêu dùng ở các nước Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) - hai thị trường lớn của Việt Nam - đang tập trung nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu, do đó đồ gỗ không được coi là đồ dùng thiết yếu nên bị nhiều người cắt giảm chi tiêu mua vào thời điểm này. Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao, cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất tăng, càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta”, ông Phương lý giải.

Tương tự, doanh nghiệp da giày cũng sớm rời niềm vui tăng trưởng những tháng đầu năm khi thị trường quý 3, quý 4/2022 đột ngột xấu đi; cùng với đó là giá cả đầu vào tăng cao, lợi nhuận thu hẹp.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp thành viên đang đối diện rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%, các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý 1/2023 cũng ít đi.

“EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam đang có xu hướng giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm”, bà Xuân quan ngại.

Dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc cũng đã dần lộ rõ ở ngành dệt may. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành vẫn đạt con số ấn tượng với khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy vậy, nếu trong 9 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng xuất khẩu được 3,8 đến 3,9 tỷ USD thì dự kiến 3 tháng cuối năm chỉ xuất được 3,1 đến 3,2 tỷ USD.

“Từ nay đến cuối năm ngành dệt may đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt đơn hàng có chiều hướng sụt giảm và đơn giá sụt giảm. Nguyên nhân là do một thị trường lớn của dệt may như Mỹ, châu Âu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, không được như kỳ vọng, dự đoán mức tăng chỉ bằng 50% so với năm 2021.

Cùng với đó, chưa bao giờ lạm phát của các nước này xấp xỉ ở 10%, thậm chí có những tháng trên 10%. Chính vì vậy, hiện nay tỷ lệ tồn kho ở các khu vực tương đối cao, cho nên nhu cầu về đơn hàng từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023 có khả năng giảm. Đây là khó khăn lớn cho ngành dệt may từ nay đến cuối năm”, ông Cẩm thông tin.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022 lại đột ngột giảm nhanh.

Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2022 (từ ngày 01/9 đến ngày 15/9) đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% (tương ứng giảm 9,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022. Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu giảm, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,17 tỷ USD (tương ứng giảm 38,2%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,07 tỷ USD (tương ứng giảm 31,5%); hàng dệt may giảm 980 triệu USD (tương ứng giảm 44,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 751 triệu USD (tương ứng giảm 29,7%)...

Trước khó khăn còn có thể kéo dài

Nhận định về đà giảm tốc của xuất khẩu, ông Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế thế giới trong năm 2022 có nhiều biến động. Đầu năm, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi và đạt mức tăng trưởng tốt nhờ kiểm soát dịch COVID-19; tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đẩy giá nguyên, nhiên liệu, logistics tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế… cũng khiến các tổ chức này đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và các quốc gia sau mỗi lần cập nhật.

Dù chưa bị hạ tăng trưởng, song kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn. Cùng với khó khăn từ bên ngoài, những khó liên quan đến sức chịu đựng của doanh nghiệp, nguồn vốn, lãi suất và đặc biệt là thiếu những đơn hàng mới… có thể khiến tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung trong quý 4 khó có thể cao hơn so với quý 3 như quy luật hàng năm.

“Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nhiều ngành hàng - lĩnh vực như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số mặt hàng thủy sản… gặp khó khăn ở hợp đồng mới. Do đó, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp cần có sự cập nhật điều hành quyết liệt hơn, kịp thời hơn, bám sát hơn thị trường để giữ được tốc độ tăng trưởng này. Nếu như quý 4, tăng trưởng tiếp tục cao hơn so với quý trước thì rất là tích cực, song cảnh báo là không thừa trong bối cảnh kinh tế thế giới có rất nhiều biến động không dự báo được”, ông Phong lưu ý.

Để bù đắp đơn hàng, ông Trương Văn Cẩm cho biết, các doanh nghiệp dệt may đã rất nỗ lực và thích ứng rất nhanh với những thách thức của thị trường. Theo đó, xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, mà bắt đầu là chuyển dịch sang Nga và một số nước khác.

Ông Cẩm dự tính: “Tôi tin rằng trong thời gian tới doanh nghiệp dệt may vẫn thích ứng được, dù rằng quý 4 này sẽ khó khăn, thậm chí khó khăn còn có thể kéo dài đến quý 1/2023”.

Còn theo đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, để vượt qua khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu, không nên tập trung một số thị trường. Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường hơn và có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác khi gặp khó khăn do các tác động của tình hình thế giới.

Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cũng cho rằng, các doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng Ngân hàng Nhà nước có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, đồng thời thiết kế gói hỗ trợ. Các doanh nghiệp cũng hy vọng, khi các nhà buôn lớn trên thế giới giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn và sẽ đặt hàng trở lại.

“Khi thị trường phục hồi, tài chính của doanh nghiệp chưa được phục hồi. Hoạt động tài chính của doanh nghiệp sẽ bị đưa vào nợ xấu thì cơ hội lấy lại thị trường là không có. Vì vậy, bên cạnh mỗi doanh nghiệp cần phải có dự trữ tài chính của mình thì rất cần sự hỗ trợ của chính sách từ phía Nhà nước và ngân hàng để cùng nhau kinh doanh khi có cơ hội từ phục hồi tốt”, ông Phương đề xuất.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE