Xuất khẩu thủy sản sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào tháng 11?

Xuất khẩu thuỷ sản tháng 9/2022 ước đạt trên 850 triệu USD, tăng 36% so với tháng 9/2021. Đây là lần đầu sau 7 tháng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD. Luỹ kế 9 tháng, xuất khẩu thuỷ sản chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 9/2022, xuất khẩu tôm đã mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, cá tra cũng thu về gần 2 tỷ USD, tăng 82%, các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm tín hiệu tích cực từ các thị trường, đơn hàng đã dần hồi phục

9 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD, bình quân xuất khẩu thủy sản đạt hơn 900 triệu USD/tháng, như vậy còn 1,5 tỷ USD là chạm mục tiêu 10 tỷ USD và vẫn còn 3 tháng phía trước.

Với đà xuất khẩu hiện nay khả năng chạm mốc 10 tỷ USD trong tháng 11 hoàn toàn khả thi, và trong niềm tin lạc quan thậm chí xuất khẩu thủy sản vượt mục tiêu. Bởi thông thường quý cuối năm là giai đoạn tăng tốc, các doanh nghiệp phải vừa trả đơn hàng đã ký, lại vừa ký thêm đơn hàng mới phục vụ nhu cầu các dịp lễ, tết tại các thị trường nhập khẩu.

Theo VASEP, bước vào tháng 9, nguồn cung nguyên liệu đã không chịu biến động lớn do tác động tích cực từ giá xăng dầu giảm. Nhu cầu tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho. Đồng thời có thêm tín hiệu tích cực từ các thị trường, đơn hàng đã dần hồi phục, các doanh nghiệp chủ động sản xuất theo diễn biến thị trường.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, các doanh nghiệp kỳ vọng, nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ tăng từ tháng 10 để phục vụ mùa lễ hội, và đang chủ động đầu tư chế biến sâu, đa dạng thị trường, nâng cao giá trị, ổn định việc làm cho người lao động.

“Chúng tôi hy vọng cuối năm 2022 thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại sau chính sách ‘Zero COVID’. Đây là chỉ số rất quan trọng, vì nếu thị trường này mở cửa, xuất khẩu sẽ đi vào ổn định và phát triển tốt cho năm 2023”, Tổng thư ký VASEP nói.

Nhận định về các thị trường xuất khẩu chính, bà Lê Hằng – Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho rằng, do tình hình lạm phát đang tác động làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường, nên xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính đều tăng trưởng chậm lại trong tháng 9.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kong mang về doanh số cao nhất trong tháng 9 với 153 triệu USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021, so với tháng 7/2022 chỉ thấp hơn 1,4%.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 11% so với cùng kỳ đạt 140 triệu USD, trong khi xuất khẩu sang EU và Hàn Quốc vẫn giữ được mức tăng lần lượt 31% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang Nga tăng tới 98% so với tháng trước và thị trường Trung Quốc có thể là điểm sáng trong quý 4, khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tháng 9, xuất khẩu cá tra tăng gần 100%

Trong tháng 9, ba sản phẩm thủy sản chính gồm tôm, cá tra và các sản phẩm hải sản đều đạt mức tăng trưởng cao.

Lạm phát làm giảm nhu cầu nhiều sản phẩm thuỷ sản, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng lợi thế vì có giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân. Nhờ vậy, xuất khẩu cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, tăng 97% đạt 161 triệu USD.

Xuất khẩu tôm trong tháng 9 đạt gần 350 triệu USD, tăng 13%, mức tăng thấp nhất trong các sản phẩm chính. Thiếu tôm nguyên liệu trong khi nhu cầu tại các thị trường đang chững lại vì lạm phát giá, khiến xuất khẩu tôm giảm so với tháng trước. Xuất khẩu các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Phùng Thị Kim Thu – Chuyên gia thị trường ngành hàng Tôm VASEP.PRO, thị trường Trung Quốc mặc dù đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến COVID-19 tại các cảng biển, nhưng quy định về hàng nhập khẩu đông lạnh vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

“Các nhà nhập khẩu tôm của Trung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chính sách hạn chế để phòng dịch COVID-19 của nước này, chi phí vận chuyển tăng, đồng nhân dân tệ mất giá. Do vậy, nếu áp lực tài chính của các nhà nhập khẩu tôm Trung Quốc không được giải tỏa, nhập khẩu tôm nói chung của Trung Quốc có thể giảm trong thời gian tới”, bà Kim Thu nói.

Dự kiến, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong các tháng cuối năm nay tiếp tục tăng, mặc dù không duy trì được đà tăng trưởng mạnh như các tháng trước đó.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất

Trong 9 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22%. Thị trường đơn lẻ lớn thứ hai là Trung Quốc, thị trường vẫn đạt mức tăng trưởng cao nhất 76% đạt 1,35 tỷ USD trong 3 quý đầu năm.

Mặc dù, Trung Quốc vẫn là thị trường khó đoán định, nhưng đây vẫn là thị trường mục tiêu của các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam trong những tháng cuối năm, vì nhu cầu đang hồi phục và yếu tố địa lý cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chi phí vận tải và ách tắc vận chuyển vẫn là vấn đề lớn của thương mại toàn cầu.

Xuất khẩu sang khối thị trường CPTPP đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%so với cùng kỳ năm trước; khối thị trường EU đã vượt 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE