11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai đến đâu?

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có báo cáo cập nhật kết quả thực hiện tính đến ngày 15/9/2022 với từng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6/10, Chính phủ đã gửi Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.

Theo báo cáo, toàn bộ 11 dự án thành phần đã khởi công xây dựng và triển khai thi công, trong đó có 01 dự án thành phần đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), 10 dự án thành phần đang triển khai thi công xây dựng.

Thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã cập nhật kết quả thực hiện cập nhật đến ngày 15/9/2022 với từng dự án.

8 DỰ ÁN THÀNH PHẦN ĐẦU TƯ CÔNG

Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km): khởi công tháng 12/2019, đến hết năm 2021 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác thi công xây lắp; chủ đầu tư đã tổ chức thông xe đưa vào khai thác từ ngày 4/2/2022.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3 km): khởi công tháng 9/2019, dự án có 11 gói thầu xây lắp, lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 94,76% tổng giá trị các hợp đồng trong đó: 06 gói thầu xây lắp đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện công tác sơn kẻ mặt đường, 05 gói thầu xây lắp sẽ cơ bản hoàn thành vào 31/10/2022; dự kiến đưa dự án vào khai thác cuối năm 2022.

Cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,01 km): khởi công tháng 3/2020, dự án có 05 gói thầu xây lắp trong đó 01 gói thầu đã hoàn thành, 04 gói thầu đang triển khai thi công, lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 59,4% tổng giá trị các hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch; dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp vào cuối tháng 12/2023.

Đoạn Mai Sơn - QL45 (dài 63,37 km): khởi công tháng 9/2020, dự án có 05 gói thầu xây lắp đều đang triển khai thi công; lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 69,5% tổng giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,5% so với kế hoạch; dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp vào cuối tháng 12/2022.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km): khởi công tháng 9/2020, dự án có 04 gói thầu xây lắp đều đang triển khai thi công; lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 50,65% tổng giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 2,18% so với kế hoạch; dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp vào cuối tháng 12/2022.

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99,0 km): khởi công tháng 9/2020, dự án có 04 gói thầu xây lắp đều đang triển khai thi công; lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 56,32% tổng giá trị các hợp đồng, chậm 0,69% so với kế hoạch; dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp vào cuối tháng 12/2022.

Đoạn QL45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km): khởi công tháng 7/2021, dự án có 03 gói thầu xây lắp đều đang triển khai thi công; lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 52,53% tổng giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch; dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp vào cuối tháng 8/2023.

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50,0 km): khởi công tháng 7/2021, dự án có 04 gói thầu xây lắp đều đang triển khai thi công; lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 47,0% tổng giá trị các hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ; dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp vào cuối tháng 7/2023.

3 DỰ ÁN PPP ĐÃ GIẢI NGÂN 40.364 TỶ ĐỒNG

3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP tại Nghị quyết 52/2017/QH14, cập nhật của Bộ trưởng cho biết:

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (dài 49,3 km): khởi công ngày 22/5/2021, nhà đầu tư đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng vào ngày 12/2/2022 để cung cấp phần vốn vay cho dự án; lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 13,7% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 7,7% so với kế hoạch; dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 5/2024.

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (dài 49,1 km): khởi công ngày 4/9/2021, nhà đầu tư đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng vào ngày 31/12/2021 để cung cấp phần vốn vay cho dự án; lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 47,2% tổng giá trị hợp đồng dự án, đáp ứng yêu cầu tiến độ; theo kế hoạch dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 9/2023 (nhà đầu tư đã cam kết rút ngắn tiến độ khoảng 3 tháng so với kế hoạch).

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dài 78,5 km): khởi công ngày 30/9/2021, nhà đầu tư đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng vào ngày 7/12/2021 để cung cấp phần vốn vay cho dự án; lũy kế tổng khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 24,3% tổng giá trị hợp đồng dự án, đang chậm khoảng 1,4% so với kế hoạch; dự kiến hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 3/2024.

Về công tác bố trí vốn và giải ngân nguồn vốn nhà nước, Bộ trưởng cho hay tổng số vốn đã được giao trong kế hoạch hàng năm là 47.831,264 tỷ đồng (năm 2018 là 142,141 tỷ đồng; năm 2019 là 7.679,214 tỷ đồng; năm 2020 là 9.980,102 tỷ đồng; năm 2021 là 14.545,051 tỷ đồng; năm 2022 là 15.484,756 tỷ đồng).

Số liệu cập nhật đến ngày 15/9/2022, lũy kế đã giải ngân được 40.364,836 tỷ đồng/47.831,264 tỷ đồng, đạt khoảng 84,4% kế hoạch giao, trong đó năm 2022 đã giải ngân khoảng 8.554,058 tỷ đồng/15.484,756 tỷ đồng, đạt khoảng 55,2% kế hoạch giao.

KHÓ KHĂN VỚI NGUỒN VẬT LIỆU THI CÔNG

Nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng thông tin, quá trình thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, mặc dù các mỏ đất tại khu vực dự án đi qua (bao gồm các mỏ đang khai thác và các mỏ đã có trong quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa được cấp phép khai thác) đáp ứng đủ nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường cho các dự án nhưng do các gói thầu, dự án thành phần đồng loạt triển khai đắp nền đường trong cùng một thời gian, thủ tục cấp giấy phép khai thác vật liệu xây dựng theo quy định của Luật Khoáng sản gồm nhiều bước với thời gian thực hiện kéo dài từ 9 tháng đến 15 tháng nên ở giai đoạn đầu triển khai thi công, nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho các dự án thành phần không đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công.

Chính phủ đã ban hành nghị quyết cho áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án, nhưng tại dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đến tháng 4/2022 mới khai thác được mỏ đầu tiên, riêng mỏ Hòn Lúp công suất 0,794 triệu m3 mới bắt đầu được khai thác; tại dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, đến cuối tháng 2/2022, tỉnh Đồng Nai mới giải quyết xong thủ tục khai thác, nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện 02 dự án này.

Ngoài ra còn có khó khăn do biến động giá vật liệu xây dựng, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thủ tục đầu tư kéo dài do chuyển đổi phương thức đầu tư...

Đánh giá tiến độ các dự án thành phần, Bộ trưởng cho biết Đoạn Cam Lộ - La Sơn dự kiến đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2022, chậm so với tiến độ theo Nghị quyết số 52/2017/QH14.

Cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành công tác xây lắp, thông xe kỹ thuật cuối tháng 12/2023, chậm so với tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết số 52/2017/QH14.

3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo): đến tháng 7/2021 cả 3 dự án thành phần đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án. Hiện nay, các dự án đang triển khai thi công.

Theo kế hoạch, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 5/2024, đoạn Nha Trang - Cam Lâm hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 9/2023, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 3/2024. Như vậy, tiến độ thực hiện các dự án đang chậm so với tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết số 52/2017/QH14.

Tại báo cáo, người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh, đặc biệt, vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối năm 2022”, theo đó Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án và các nhà thầu thi công ký cam kết thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm cao để phấn đấu hoàn thành, thông xe kỹ thuật 4 dự án vào cuối năm 2022.
Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án xanh, phát triển bền vững

Đồng Nai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp giúp Đồng Nai đạt được những thành quả lớn trên lĩnh vực kinh tế. Song, mặt trái của quá trình phát triển này đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững.

Chat với BizLIVE