Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo trắng, Việt Nam đón tác động gì?

Ấn độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo thường thêm một năm, sau khi cơ quan quản lý thị trường nước này hoãn giao dịch kỳ hạn 7 mặt hàng chính trong đó có gạo thường (non-basmati) trên các sàn giao dịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Reuters, Cơ quan quản lý thị trường Ấn Độ tiếp tục hạn chế giao dịch các hợp đồng phái sinh đối với các mặt hàng nông sản chính thêm một năm do nhà nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất lúa mì và gạo lớn, đang cố gắng kiềm chế lạm phát giá lương thực.

Chắc chắn sẽ có tác động

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) năm ngoái đã ra lệnh đình chỉ giao dịch kỳ hạn một năm đối với các mặt hàng nông sản chính, một bước đi đáng chú ý kể từ khi cho phép giao dịch kỳ hạn vào năm 2003.

Trong một thông báo được đưa ra vào cuối ngày 21/12, SEBI cho biết việc đình chỉ giao dịch các hợp đồng tương lai sẽ tiếp tục cho đến ngày 20/12/2023 đối với đậu tương và các sản phẩm phái sinh khác như dầu cọ thô, lúa mì, gạo, đậu xanh, đậu xanh và mù tạt hạt cải dầu.

Việc gia hạn đã gây ngạc nhiên cho những người tham gia thị trường, những người đang kỳ vọng giao dịch sẽ tiếp tục sau khi lần đầu tiên trong năm nay lạm phát giảm vào tháng 11 dưới mức cho phép cao hơn của ngân hàng trung ương.

Năm 2022, Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì, hạn chế xuất khẩu đường và gạo để làm dịu giá nội địa.

Nhận định về việc Chính phủ Ấn Độ đình chỉ giao dịch các mặt hàng nông sản trong đó có gạo thêm một năm, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, Ấn Độ là nước sản xuất nhiều lương thực nhưng vì dân số đông nên chính phủ luôn đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu. Trước đây Ấn Độ cũng đã từng dừng xuất khẩu gạo và hiện nay đang hạn chế xuất khẩu gạo trắng và cấm xuất khẩu tấm.

Động thái tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo trắng thường của Chính phủ Ấn Độ chắc chắn sẽ tác động lên thương mại gạo toàn cầu cũng như với xuất khẩu gạo Việt Nam. Và việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu nên xét trên hai tiêu chí là gạo trắng thường và gạo tấm.

Thứ nhất, năm qua Ấn Độ hầu như ngừng xuất khẩu gạo tấm, đây là loại dùng sản xuất nguyên liệu đầu vào như: bia, bún bánh phở..., kể cả sử dụng sản xuất thức ăn trong ngành chăn nuôi.

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo tấm từ Ấn Độ, và năm qua Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm nên các mặt hàng phụ phẩm như tấm, cám đều tăng lên; và trấu cũng tăng giá do được sử dụng làm năng lượng trong bối cảnh giá than đá tăng cao nên chuyển sang sử dụng điện sinh khối. Giá các phụ phẩm từ lúa gạo tăng đã tạo cơ hội cho các nhà máy xay xát gạo của Việt Nam.

Trong khi giá các phụ phẩm tăng lên khá cao thì giá gạo thành phẩm không tăng nhiều, vì gạo đã được bù đắp từ giá phụ phẩm và giá trị gia tăng của phụ phẩm.

Có ba loại phụ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành gạo thành phẩm là trấu, cám và tấm luôn duy trì ở mức cao hơn từ năm 2021 đến hết năm 2022.

Trước đây mọi người đều nghĩ sự tăng giá này chỉ tạm thời nhưng hiện nay trên trên thị trường đang hình thành mặt bằng giá khá cao, nhờ vậy mà giá thành gạo thành phẩm được hỗ trợ để không phải quá đắt đỏ.

Thứ hai, Ấn Độ chỉ hạn chế xuất khẩu gạo trắng bằng việc áp thuế xuất khẩu lên 20%.

Tháng 1/2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long vào thu hoạch lúa Đông Xuân sớm tại một số tỉnh ở khu vực hạ nguồn như Sóc Trăng, Bạc Liêu
Tháng 1/2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long vào thu hoạch lúa Đông Xuân sớm tại một số tỉnh ở khu vực hạ nguồn như Sóc Trăng, Bạc Liêu

Doanh nghiệp cần vốn, lãi suất bớt cao để nắm cơ hội

Lâu nay, Việt Nam và Thái Lan luôn gặp sự cạnh tranh gay gắt với gạo 5% trắng giá rẻ của Ấn Độ, nhưng bây giờ đã khác hơn khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo bằng việc áp 20% thuế khiến cho mặt bằng giá gạo 5% của nước này tăng cao lên, và làm tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam và Thái Lan.

“Trước đây mặt bằng gạo 5% tấm của Ấn Độ và Pakistan luôn rẻ hơn gạo Việt Nam khoảng 10% về giá, nhưng hai năm gần đây gạo Ấn Độ luôn rẻ hơn gạo Việt Nam gần cả trăm USD/tấn.

Bây giờ Ấn Độ đánh thuế thêm 20% nữa sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam lên, nhất là đối với loại gạo có phẩm cấp trung bình thấp, trong khi Việt Nam đang giảm diện tích sản xuất gạo chất lượng thấp mà giá lại được cải thiện lên như vậy sẽ tạo sự ổn định cho loại lúa gạo này”, Phó tổng giám đốc Tân Long Group nói.

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương giảm diện tích sản xuất lúa chất lượng trung bình như lúa IR 50404 gặp lúc giá gạo 5% tấm của Ấn Độ bị áp thuế sẽ giúp cho mặt bằng giá các loại gạo này tốt lên, tạo tính tích cực cho lúa gạo Việt Nam.

Thị trường đang xuất hiện những tín hiệu tích cực như nhu cầu nhập khẩu gạo trong năm 2023 tăng cao, cộng với việc Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo nên vụ Đông Xuân 2022- 2023 được dự báo sẽ được mùa được giá, và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ thuận lợi.

“Tuy nhiên, tôi rất hy vọng các doanh nghiệp lúa gạo sẽ được có các chỉ tiêu về vĩ mô thuận lợi hơn, như mặt bằng lãi suất được kiểm soát và ngân hàng quan tâm nhiều hơn đến việc giải ngân cho doanh nghiệp. Đặc biệt vào tháng 1/2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long vào thu hoạch lúa Đông Xuân sớm tại một số tỉnh ở khu vực hạ nguồn như Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Tiềm năng thị trường tốt nhưng quan trọng là doanh nghiệp phải chủ động được nguồn lực tài chính, có nguồn vốn đủ tốt kịp thời thu mua lúa gạo như vậy mới hoàn hảo, vì vụ Đông Xuân có sản lượng lúa rất lớn và nhu cầu vốn của doanh nghiệp được đáp ứng kịp thời thì mới tốt. Dự báo trong năm 2023 giá gạo thơm sẽ vẫn ở mức cao”, ông Trung nhận định.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE