Bất bình đẳng thương mại với các nước châu Phi, Hiệp hội Điều đề xuất chính sách bảo hộ ngành điều

Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng việc cho phép nhập khẩu điều nhân từ châu Phi về Việt Nam mà không kèm theo bất cứ biện pháp bảo vệ thương mại nào cho ngành chế biến điều trong nước, đã và đang gây bức xúc, lo lắng cho các doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bất bình đẳng thương mại với các nước châu Phi, Hiệp hội Điều đề xuất chính sách bảo hộ ngành điều
Bất bình đẳng thương mại với các nước châu Phi, Hiệp hội Điều đề xuất chính sách bảo hộ ngành điều

Vì có thể ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của ngành điều cả trong sản xuất điều thô lẫn chế biến điều nhân.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hơn 10 năm qua ngành điều Việt Nam luôn giữ vị trí là nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới, và việc này không phải ngành hàng nào trong nước cũng có thể làm được.

Tuy nhiên, đối với nguồn nguyên liệu điều thô, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% năng lực sản xuất của các nhà máy chế biến nhân điều, còn lại 80% là phải nhập khẩu từ nước ngoài và chủ yếu là từ các nước châu Phi.

Ngành Điều “muốn” có chính sách bảo hộ

Theo ông Bạch Khánh Nhật, Phó chủ tịch Vinacas, lâu nay, ngành điều luôn giữ vị trí nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới là nhờ nắm giữ chuỗi cung ứng liên tục từ khâu đầu cho tới khâu cuối, nhưng từ khi các nước châu Phi biết được năng lực của Việt Nam cũng như biết được giá trị gia tăng của sản phẩm cuối cùng là điều nhân xuất khẩu, chính phủ các nước châu Phi đã khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư, và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào châu Phi để xây dựng các nhà máy sản xuất nhân hạt điều.

Do từ trước đến nay, các nước châu Phi xuất khẩu điều thô vào Việt Nam đánh thuế từ 100 – 150 USD/tấn, trong khi đó, chính phủ còn khuyến khích và trợ giá cho doanh nghiệp nào xuất khẩu được một tấn điều nhân ra nước ngoài (xuất khẩu chủ yếu vào Việt Nam), trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi phải trả thuế nhập khẩu.

“Trong kinh doanh quốc tế đây là việc bình thường không có gì đáng bàn, nhưng ở đây có một mâu thuẫn mà tôi rất đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương đó là khó khăn thì ai cũng có nhưng luật chơi thì phải cân xứng. Song, đối với ngành điều Việt Nam thì luật chơi đang bị lệch do chính sách của các nước châu Phi không đồng bộ với Việt Nam nên doanh nghiệp điều Việt Nam bị thiệt thòi, và vấn đề này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị trí số 1 của ngành điều Việt Nam”, Phó chủ tịch Vinacas nói.

Mặt khác, các nước châu Phi mở ra nhiều nhà máy chế biến nhân điều, và khi sản xuất tại châu Phi tăng thì nguồn điều thô về Việt Nam sẽ giảm bớt và điều quan trọng làm ảnh hưởng tới ngành điều Việt Nam, nhưng với kinh nghiệm còn non trẻ châu Phi chỉ có làm được 70% công đoạn dễ dàng, còn 30% công đoạn khó khăn cần sử dụng công nghệ và tay nghề cao của công nhân Việt Nam thì không làm được, nên họ chỉ làm bán thành phẩm rồi xuất sang Việt Nam. Như vậy, sẽ gây ra những tác động không mong muốn cho ngành điều Việt Nam:

Thứ nhất, các tỉnh Đông Nam Bộ mà nhiều nhất là tỉnh Bình Phước có rất nhiều hộ gia đình làm 70% công đoạn đầu, nhưng nay công đoạn này châu Phi đã làm hết, như vậy, sẽ khiến cho hàng ngàn hộ gia đình và cơ sở sản xuất nhỏ bị mất việc.

Thứ hai, để sản xuất từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối chi phí đầu tư của các nhà máy sản xuất lớn phải từ trên 100 tỷ - 500 tỷ đồng/nhà máy. Bây giờ 2/3 công việc đã được làm tại châu Phi thì tiền đầu tư của doanh nghiệp vào các nhà máy trở nên hoang phí, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy.

“Nguyên nhân đến đến câu chuyện này là do chúng ta quá dễ dãi đối với việc nhập khẩu điều từ châu Phi. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu điều nhưng khi chúng ta xuất khẩu điều nhân qua Ấn Độ chỉ được một thời gian ngắn chưa tròn năm, Chính phủ Ấn Độ cảm thấy vấn đề này sẽ tác động đến ngành điều trong nước, ngay lập tức họ áp thuế điều nhân Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ, bởi vì điều nhân của Việt Nam rẻ hơn Ấn Độ.

Quan hệ thương mại quốc tế phải bình đẳng

Theo đại diện Vinacas, các nước đều có chính sách bảo hộ thương mại của họ trong khi Việt Nam chưa có, do vậy Vinacas đề nghị Bộ Công thương xem xét có thể đàm phán với các nước châu Phi miễn thuế điều thô nhập khẩu vào Việt Nam, nếu họ không chịu bỏ thuế thì đề nghị Chính phủ Việt Nam có chính sách bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách đánh thuế điều nhân nhập khẩu từ châu Phi vào Việt Nam.

“Đó là sự công bằng có qua có lại, ở đây chúng ta không phá vỡ luật chơi và cũng không cấm cản, nhưng ít ra cũng phải đảm bảo quyền lợi công bằng cho ngành điều Việt Nam”, ông Khánh Nhựt nhấn mạnh.

Trả lời kiến nghị của Vinacas, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Hiệp định Thương mại tự do với Nam Phi và khối Mercosur (bao gồm Argentina Brazil, Uruguay và Paraguay), nếu trong năm nay kết thúc đàm phán thì trong tương lai quy định nhập khẩu điều thô của khu vực châu Phi về Việt Nam sẽ được giải quyết.

“Trong một hiệp định thương mại tự do nếu anh ưu đãi tôi thì tôi ưu đãi anh, không thì ngược lại. Trong trường hợp Việt Nam chưa có FTA với bạn thì tôi rất đồng tình với đề xuất các cơ quan chức năng và Vinacas, chúng ta cần nghiên cứu và suy nghĩ để có những quan hệ thương mại bình đẳng, vì anh tốt thì tôi tốt lại, nếu như anh chưa tốt thì việc gì tôi phải quá tốt với anh. Vấn đề này Cục Xuất nhập khẩu nhất là Cục phòng vệ Thương mại và các cơ quan liên quan của Bộ Công thương sẽ phải nghiên cứu”, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 4/2023, xuất khẩu hạt điều đạt 51.393 tấn, trị giá 306,487 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 3,5% về giá trị so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu hạt điều đạt 162.404 tấn, trị giá 952,525 triệu, tăng 6,1% về lượng và tăng 4,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE