Biên độ giảm của VN-Index vẫn được tiết chế

Sắc đỏ lan rộng toàn bộ các chỉ số chứng khoán châu Á. Một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc đã mất hơn 2% nhưng VN-Index hiện chỉ giảm hơn 1%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Biên độ giảm của VN-Index vẫn được tiết chế

VN-Index chịu ảnh hưởng của tình trạng giảm chung tại châu Á và cả yếu tố tâm lý trước kỳ đáo hạn phái sinh tháng 3/2023.

Định vị thị trường

Hiệu ứng sụp đổ của SVB tác động tới một số cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ nhưng không tạo ra phản ứng tiêu cực lên thị trường chứng khoán Mỹ. Đêm qua, NASDAQ đã tăng 0,45% trong khi Dow Jones và S&P 500 chỉ giảm nhẹ.

Tuy nhiên, tại châu Á, nỗi sợ lại lớn hơn khi một số doanh nghiệp có thể gặp rủi ro do nắm giữ trái phiếu của Mỹ. 2 thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc đang thể hiện nhiều lo lắng nhất khi giảm trên 2%.

Trong khi đó, các chỉ số còn lại đều ghi nhận sắc đỏ bao gồm cả thị trường Việt Nam. Biên độ giảm được tiết chế hơn khi đang ở quanh mức 1%.

Chất xúc tác

Dòng tiền ETFs là điểm nhấn của phiên hôm qua khi khối ngoại mua ròng mạnh nhất từ đầu năm 2023 với giá trị ròng đạt hơn 850 tỷ đồng. Dù vẫn có những quan điểm trái chiều về danh tính của quỹ ETFs nhưng lượng tiền ngoại đổ vào thị trường là điều không thể bác bỏ.

Giá trị mua ròng lũy kế của khối ngoại tính đến trước phiên 14/3 đã khôi phục lên trên mức 5.200 tỷ đồng.

Trong cả phiên sáng nay, khối ngoại gần như giao dịch khá cầm chừng nhưng từ sau 11h họ đã gia tăng cầu mua vào, hướng đến các mã VHM (+30 tỷ đồng), POW (+30 tỷ đồng), HSG (+26,5 tỷ đồng). Nhờ đó, tính đến cuối phiên sáng, giá trị mua ròng đã vượt 100 tỷ đồng.

Ngay khi có cú hích tiền ngoại cuối phiên sáng, vận động của HOSE cũng sôi động lên và bắt kịp thành quả giao dịch của phiên sáng hôm qua. Tính đến hết phiên, giá trị giao dịch đã đạt hơn 5.700 tỷ đồng.

Vận động nhóm ngành

Sự điều tiết VN30 đã được thể hiện ở phiên hôm qua nhưng sáng nay nhiều mã lại khiến VN30 phải trả điểm như BID (-2,5%), CTG (-1,9%), HPG (-2,6%), GAS (-1,9%), PLX (-1,8%). Độ rộng của VN30 đang lên tới 26/30 mã giảm và biên độ giảm đang nhiều hơn so với thành tích của phiên hôm qua đã khiến VN-Index lại trượt khỏi đường MA20.

Ngoài yếu tố ảnh hưởng từ thị trường quốc tế thì sự kiện đáo hạn phái sinh cũng có thể là nguyên nhân tạo ra xáo trộn tại VN30 và thị trường chung. Khối lượng mở (OI) của VN30F1M cho tháng 3 hiện vẫn đang khá cao với mức trên 45 nghìn đơn vị.

Hầu như thị trường chưa có một sự phản kháng nào trong sáng nay nên độ rộng của cả sàn đang có hơn 80% mã giảm giá. Nhóm Đầu tư công giao dịch trái chiều với LCG (+1,2%), VCG (-2,7%), HHV (-1,9%), KSB (0%) biến động trong biên độ hẹp.

Nhóm Dầu khí đang có nhiều mã giảm quanh 3% như PVD (-3,2%), PVT (-3,3%). Kể cả PVS (-2,7%), PVB (-2,8%), PVC (-3,3%) trên HNX cũng đang có biên độ tương tự.

Nhóm Thép với trạng thái nhiều mã đang đứng trước cơ hội lấy lại xu hướng tăng dài hạn như NKG (-3,4%), HPG cũng không dám "cựa quậy".

VN-Index giảm 11,16 điểm xuống 1.041,64 điểm, tương đương 1,06%. Cả 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, mất lần lượt 1,47% và 0,73%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 700 tỷ đồng.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE