Chứng khoán Mỹ mất điểm mạnh khép lại tuần khốc liệt của thị trường tài chính toàn cầu

Dow Jones như vậy lại rơi xuống mức đáy mới của năm và đóng cửa dưới mốc 30.000 điểm lần đầu tiên tính từ ngày 17/6/2022.
Ảnh: MarketWatch
Ảnh: MarketWatch

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sâu và chính thức khép lại một tuần đầy khốc liệt của các thị trường tài chính thế giới, nguyên nhân chính do lãi suất tăng vọt và biến động tỷ giá khiến nhiều người lo sợ về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chốt phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 486,27 điểm tương đương 1,62% xuống 29.590,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,72% xuống 3.693,23 điểm còn chỉ số Nasdaq mất 1,8% giá trị xuống 10.867,93 điểm.

Dow Jones như vậy lại rơi xuống mức đáy mới của năm và đóng cửa dưới mốc 30.000 điểm lần đầu tiên tính từ ngày 17/6/2022. Chỉ số Dow Jones ở mức chốt phiên ngày hôm qua thấp hơn 19,9% so với mức đỉnh gần nhất và như vậy rơi sát xuống mức được coi như thị trường “con gấu”. Đã có lúc chỉ số Dow Jones giảm đến hơn 826 điểm trong phiên.

Các chỉ số chính trên thị trường khép lại tuần giảm điểm thứ 5 trong 6 tuần gần nhất, chỉ số Dow Jones mất hơn 4%. Chỉ số S&P và Nasdaq lần lượt mất 4,65% và 5,07%. Thị trường chứng khoán như vậy có phiên giảm thứ 4 liên tiếp sau khi vào ngày thứ Tư Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đồng thời phát đi thông điệp sẽ làm tương tự trong cuộc họp chính sách vào tháng 11/2022.

Chuyên gia thuộc LPL Financial, ông Quincy Krosby, nhận xét: “Thị trường đã dịch chuyển rõ ràng và nhanh chóng từ những nỗi lo về lạm phát cho đến nhiều nỗi lo về chương trình siết chặt chính sách tiền tệ của Fed. Bạn chứng kiến lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng lên mức cao nhất mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều năm, nó đang thay đổi tư duy cho rằng Fed có thể có được ổn định giá cả mà không phải hy sinh điều gì”.

Đồng bảng Anh chạm mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ so với đồng USD sau khi Anh thông qua kế hoạch kinh tế trong đó có các đợt giảm thuế gây sốc thị trường vốn đang lo sợ về rủi ro lạm phát. Các thị trường tài chính châu Âu sụt hơn 2% trong ngày.

“Hiện đang có quá nhiều yếu tố gây rối loạn vĩ mô”, ông Kosby nói.

Trong tuần, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng vọt sau quyết định chính sách của Fed. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ loại 2 và 10 năm chạm những mức cao chưa từng thấy trong 1 thập kỷ.

Goldman Sachs hạ dự báo mức mục tiêu của S&P 500 bởi lãi suất leo thang, tổ chức dự báo chỉ số có thể giảm ít nhất 4% tính từ mức hiện tại.

Cổ phiếu của những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ suy thoái kinh tế giảm điểm sâu nhất, cổ phiếu các ngành hàng tiêu dùng mất 7% giá trị. Cổ phiếu năng lượng hạ 9% khi giá dầu giảm. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng trong đó có bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Apple, Amazon, Microsoft và Metal Platforms đều giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.

Giá dầu có chuỗi thời gian sụt giảm dài nhất trong năm nay khi mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy cao cuộc chiến chống lại lạm phát, chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế.

Theo Bloomberg, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai đóng cửa dưới mốc 79USD/thùng trong phiên ngày thứ Sáu; đây là lần đầu tiên tính từ tháng 1/2022, giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng này và như vậy cũng chính thức có tuần giảm thứ 4 liên tiếp.

Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp rõ ràng nhất về việc Fed sẵn sàng chấp nhận suy thoái kinh tế Mỹ như sự đánh đổi cần thiết cho việc tái kiểm soát được giá cả, cũng trong tuần, Anh, Nauy và Nam Phi đồng loạt nâng lãi suất.

“Nỗi sợ về khả năng “hạ cánh cứng” của kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu thực sự đang diễn ra trên hệ thống. Việc sử dụng lãi suất để ngăn lạm phát có thể làm suy giảm hoạt động kinh tế và đó cũng là lý do bạn chứng kiến các đợt bán mạnh”, chuyên gia tại Again Capital – ông John Kilduff phân tích.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE