Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội để hỗ trợ lao động mất việc

Việc xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, từ đó đảm bảo quyền lợi của người lao động, góp phần củng cố an toàn, bền vững an sinh xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung. (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng quý 1/2023, cả nước có hơn 149.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, tăng gần 13% so với quý trước, phần lớn là lao động doanh nghiệp FDI ở các tỉnh đông khu công nghiệp, chế xuất như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh,...

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra dự báo làn sóng cắt giảm lao động số lượng lớn có thể kéo dài tới tận cuối năm 2023, nếu tình trạng lạm phát lẫn khó khăn kinh tế không được cải thiện.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ngày 31/5, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, đại dịch COVID-19, tình hình khủng hoảng kinh tế diễn biến phức tạp khiến thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, hàng trăm nghìn người bị mất việc, giảm giờ làm, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp.

"Mất việc làm được xem rủi ro lớn nhất với công nhân. Bởi khi đó, người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động. Họ không còn khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực, thực phẩm…", bà Dung nhận định.

Khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, người lao động còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung băn khoăn, nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao?

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nhấn mạnh tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Bà Dung gợi ý, Chính phủ nghiên cứu xây dựng Quỹ dự phòng an sinh xã hội dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó khó khăn rủi ro đột ngột.

"Việc xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, từ đó đảm bảo quyền lợi của người lao động, góp phần củng cố an toàn, bền vững an sinh xã hội", bà Dung nói.

Cũng quan tâm đến vấn đề lao động, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) cho rằng trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng. Hiện nay, tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.

Vì thế, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam nên các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay thành ba loại chính: Thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động, thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra theo quy luật cung cầu trên thị trường để từ đó ban hành những chính sách phù hợp.

Cùng quan điểm, theo đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An), nền kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nên Chính phủ cần khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất, tránh sa thải lao động hàng loạt.

"Chính phủ cần hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức lại theo hướng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động", ông Phương đề xuất.

Theo ông Phương, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa lao động, có nguy cơ suy thoái trong dài hạn. Cùng với đó, an sinh xã hội phải được đảm bảo, nguồn lực được dành để giải quyết nhu cầu ăn ở, đời sống văn hóa, tinh thần, nhu cầu học tập cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người trẻ tuổi, mới đi làm.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE