Định hướng giảm lãi suất cho vay bắt đầu lan rộng?

Tính đến nay đã có 6 ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với mức giảm từ 1 tới 3,5 điểm%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời gian qua, lãi suất huy động liên tục tăng cao, với mức lãi suất ở một số thành viên đã vượt 11%/năm trong khi lãi suất ở kỳ hạn ngắn cũng được đẩy lên mức kịch trần.

Mặt bằng lãi suất huy động đã quay về, thậm chí, còn cao hơn thời điểm trước dịch COVID -19. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay cũng tăng mạnh theo, lên tới 14 -16%/năm tùy từng phân khúc.

Lãi suất cao khiến cho khả năng tiếp cận vốn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, việc một số thành viên trong thời gian gần đây quyết định giảm lãi suất cho vay là sự hỗ trợ đáng quý, cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc cân đối chi phí, hy sinh lợi nhuận nhằm chung tay tiếp sức cho doanh nghiệp.

Mới đây nhất, ngân hàng SHB công bố chương trình giảm lãi suất từ 1,5% đến 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh…. Bên cạnh giảm lãi suất, SHB còn miễn, giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ cho khách hàng.

Trước đó, hai “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank và Vietcombank cũng đã công bố chương trình hỗ trợ lãi suất lớn. Trong đó, Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022.

Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank cũng giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu,… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.

Agribank cho biết, ước tính trong năm 2022, ngân hàng đã tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.

Trong khi đó, Vietcombank cũng giảm lãi suất tới 1 điểm %/năm đối với các khoản vay bằng VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12.

"Rất nhiều đối tượng khách hàng được giảm trong đợt này, trong đó là nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường... Quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% danh mục tín dụng của chúng tôi", ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết.

Còn tại ngân hàng ACB, từ đầu tháng 12/2022 đến hết tháng 1/2023, các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1 điểm %/năm cho lãi vay.

Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.

Đối với khách hàng mới, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1 điểm %/năm để giải ngân cho các khoản vay phù hợp với yêu cầu và quy định của ngân hàng.

Ngân hàng HDBank trước đó cũng đã quyết định giảm lãi suất tới 3,5 điểm%/năm đối với một số lĩnh vực kinh doanh. Lãnh đạo ngân hàng ước tính, sẽ có khoảng hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng.

Tương tự, ngân hàng VIB cũng triển khai chương trình giảm lãi suất đến 1,5%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn cho khách hàng vay kinh doanh khi duy trì nguồn tiền trong tài khoản thanh toán.

Rõ ràng, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng cao như hiện nay, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều thành viên tham gia chương trình hỗ trợ trên được kỳ vọng có thể phần nào giúp lan tỏa, điều hướng thị trường cũng như “hạ nhiệt” mặt bằng lãi suất chung.

Mặt khác, theo định hướng và khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước, những ngân hàng thương mại giảm được lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp sẽ "điểm cộng" khi giao, nới room tín dụng. Ngược lại, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng vừa cho biết đợt nới room vừa qua có trường hợp không được xem xét do áp lãi suất huy động ở mức cao.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

VN-Index có lần đầu tiên trở lại mốc 1.250 điểm sau hơn 1 tháng

VN-Index có lần đầu tiên trở lại mốc 1.250 điểm sau hơn 1 tháng

Mặc dù kỳ số liệu CPI tháng 4 của Mỹ và đáo hạn phái sinh vẫn ở phía trước nhưng thị trường vẫn có những vận động tích lũy khả quan. Sau chuỗi 3 phiên hạ nhiệt là 2 phiên tăng trở lại và còn giúp VN-Index có lần đầu tiên lấy lại mốc 1.250 điểm sau gần 1 tháng.

Chat với BizLIVE